Tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ hội cho tăng trưởng 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế quý II đã có xu hướng tích cực, nhưng kết quả tăng trưởng thấp của 6 tháng đầu năm tạo áp lực rất lớn cho nửa cuối năm. Theo nhiều ý kiến, thời gian tới cần tiếp tục cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành, tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ hội cho tăng trưởng, đồng thời tiếp tục có các giải pháp mới củng cố, đẩy nhanh hơn nữa xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường trong nước, hỗ trợ khuyến khích tiêu dùng là những giải pháp để tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường trong nước, hỗ trợ khuyến khích tiêu dùng là những giải pháp để tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Tín hiệu tích cực

Là đầu tàu tăng trưởng của cả nước, quý II, mức tăng trưởng GRDP của TP. HCM đạt 5,9%, cao gấp nhiều lần so với quý I (chỉ đạt 0,7%). Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, xuất nhập khẩu chuyển biến tích cực; du lịch, dịch vụ phục hồi; giải ngân đầu tư công tuy không đạt mục tiêu 35% vào cuối quý II nhưng số giải ngân tuyệt đối cao gấp 9 lần so với quý I và 24 lần so với cùng kỳ năm trước, khởi công Vành đai 3 bảo đảm tiến độ…

Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng, ông Mãi cho rằng nổi lên 2 từ “nỗ lực” - nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, trên tất cả các mặt hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì cho biết, tăng trưởng GRDP 6 tháng của Thành phố đạt 5,97%, đầu tư công giải ngân được 33,9% kế hoạch; khối dịch vụ tăng 7,54% góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung...

Đứng thứ 2 cả nước về tăng trưởng GRDP trong 6 tháng, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, trong thời gian qua Tỉnh tập trung vào một số trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, gồm: cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính; đồng hành tháo gỡ khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN); đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Kết quả 6 tháng của Tỉnh cả 3 lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu đều tăng trưởng quý sau tốt hơn quý trước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nhiều địa phương khác thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)...

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng kinh tế - xã hội nước ta đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng, tạo đà cho các tháng tiếp theo.

Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước. Ảnh: Đan Phương

Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước. Ảnh: Đan Phương

Thách thức rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng cao

Tuy có dấu hiệu tích cực, nhưng tại phiên họp Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh , tình hình kinh tế - xã hội còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức. Trong đó, cần lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn: tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, cần nỗ lực hơn; tình hình kỷ luật kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những khó khăn của quý I tiếp tục kéo dài trong quý II, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả 6 tháng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều DN đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước. Các DN gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính. “Nhiều DN, nhà đầu tư buộc phải điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh, chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất, kinh doanh đình trệ, không có lãi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6% và kịch bản thứ hai đạt 6,5%, đòi hỏi tăng trưởng 6 tháng cuối năm lần lượt phải đạt 8% và 8,9%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, thách thức lớn. Do đó, cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành, đồng thời tiếp tục có những giải pháp mới củng cố, đẩy nhanh hơn nữa xu hướng phục hồi của nền kinh tế; củng cố niềm tin, kỳ vọng của DN, nhà đầu tư, người dân vào sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. Khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, có chế tài xử lý cán bộ né tránh, đùn đẩy, chậm trễ giải quyết công việc. Tuyệt đối không ban hành chính sách mới phát sinh thủ tục, chi phí không cần thiết gây khó khăn cho DN người dân. Tập trung thúc đẩy thị trường trong nước, hỗ trợ khuyến khích tiêu dùng, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Tận dụng cơ hội, phát huy nội lực

Dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ những tín hiệu vui: 6 tháng đầu năm DN giảm rất nhiều lao động, nhưng nay đang ồ ạt tuyển dụng nhiều hơn số đã giảm; vấn đề đơn hàng của nhiều DN đã được khắc phục, DN điện tử bắt đầu có đơn hàng mới.

Trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6% và kịch bản thứ hai đạt 6,5%, đòi hỏi tăng trưởng 6 tháng cuối năm lần lượt phải đạt 8% và 8,9%.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có một số yếu tố thuận lợi hơn trong nửa cuối năm, đó là DN, nền kinh tế đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới, trong nước. Nhiều chính sách, giải pháp tiền tệ, tài khóa... đã và sắp được triển khai; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia được khởi công, tăng tốc thực hiện, giải ngân... Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm tích cực ở cả chiều huy động và cho vay, đồng thời kiểm soát được lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, bảo đảm cân đối cung - cầu ngoại tệ. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ hiệu quả hơn cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam duy trì được ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng tuy không đạt mục tiêu nhưng là kết quả tích cực, sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong tháo gỡ khó khăn cho DN đã tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế. Việt Nam cần tranh thủ xu hướng phục hồi nhanh du lịch toàn cầu; tranh thủ nguồn vốn FDI trong chuyển đổi xanh, năng lượng, bán dẫn; nguồn tài chính mới như tài chính xanh; chính sách mới trong thu hút FDI công nghệ cao…

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị, Trung ương tiếp tục tập trung điều hành chỉ đạo thực hiện các cơ chế chính sách đã được ban hành trong 6 tháng đầu năm; tập trung giải quyết tồn đọng về thị trường bất động sản, tín dụng, trái phiếu, thủ tục phòng cháy chữa cháy… Ông Mãi cho biết, trong 3 tháng tới, TP.HCM quyết liệt khuyến khích tiêu dùng trong nước, kích cầu du lịch để phát huy động lực tăng trưởng này; hỗ trợ xuất khẩu cho DN; thúc đẩy giải ngân đầu tư công…

Để không lỡ mất cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị, không để tình trạng thiếu điện quay lại vì đang mùa sản xuất của công nghiệp điện tử; hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản tích cực hơn; tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho DN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư