Tầm nhìn phát triển của Việt Nam: Tham vọng lớn nhưng đúng đắn

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tầm nhìn, khát vọng phát triển của Việt Nam vào năm 2030, 2045 là tham vọng lớn nhưng đúng đắn và Việt Nam có khả năng đạt được những mục tiêu đề ra. Điều quan trọng là xác định phương hướng, hành động cụ thể, rõ ràng để hiện thực hóa tầm nhìn, trong đó ưu tiên hàng đầu là phát triển khoa học công nghệ.

Cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Minh Thư
Cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Minh Thư

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chia sẻ khi điện đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngày 3/12/2020. Cuộc điện đàm ngắn gọn giữa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã đề cập đến nhiều vấn đề cốt lõi để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tận dụng được các cơ hội mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, nhưng với quyết sách đúng đắn, kịp thời, cùng với nỗ lực của người dân, doanh nghiệp…, Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, kiểm soát thành công dịch bệnh với mức thiệt hại thấp nhất. Kinh tế dần phục hồi, dự kiến tăng trưởng dương khoảng 2,5% và có thể cao hơn một chút nếu từ giờ đến cuối năm tình hình tốt hơn. IMF đánh giá Việt Nam là một trong năm quốc gia tăng trưởng dương trên toàn thế giới. Việt Nam nhanh chóng khôi phục kinh tế là do khống chế tương đối tốt dịch bệnh, có chính sách giải pháp để tranh thủ được các cơ hội khi các quốc gia khác đang chững lại để ứng phó với dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng, các cơ hội mới đang diễn ra, Việt Nam có cơ hội đón nhận làn sóng mới về đầu tư; mở rộng thêm thị trường từ các FTA; tranh thủ cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0… Việt Nam cần tăng tốc để khi thế giới quay trở lại ổn định phát triển sau khi khống chế được dịch bệnh thì Việt Nam đã đi được 1 đoạn.

Chia sẻ về tầm nhìn và quan điểm phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã hoạch định những mục tiêu phát triển cho 10 năm, 25 năm tới với tham vọng và quyết tâm lớn, hướng tới là nước công nghiệp hiện đại có thu nhập cao vào năm 2045. Muốn phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, dự kiến bổ sung đột phá là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam…

Nguyên Thủ tướng Anh cho biết, ông cảm thấy ngưỡng mộ khi tận mắt chứng kiến sự tiến triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, và tầm nhìn, khát vọng phát triển của Việt Nam chính là lý do mà ông cùng các cộng sự mong muốn hợp tác với Việt Nam trong tương lai. “Việt Nam hoàn toàn đúng trong việc xác định công nghệ là hướng ưu tiên trong kế hoạch, chiến lược phát triển giai đoạn tới để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn của mình”, ông Tony Blair nói.

Theo ông Tony Blair, mọi quốc gia muốn phát triển đều cần tập trung phát triển công nghệ. Và để phát triển khoa học công nghệ, ông Tony Blair chia sẻ bài học từ nhiều quốc gia thành công là Chính phủ quyết định ưu tiên và đặt trọng tâm vào việc phát triển công nghệ; có môi trường quản lý minh bạch, đơn giản thủ tục hành chính; ưu tiên hơn nữa vào các trường đại học và rộng hơn là ngành giáo dục. Đồng thời, Việt Nam cần thu hút nguồn vốn tài chính, nhân lực từ nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp công nghệ trong nước, song hành với ưu tiên hơn vào việc xây dựng những công ty về công nghệ của người Việt. Trong nỗ lực chung này, ông Tony Blair đánh giá việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là rất cần thiết.

Cựu Thủ tướng Anh lấy ví dụ Tiểu vương quốc Ả rập đã xây dựng được trung tâm đổi mới sáng tạo thành công nhờ môi trường quản lý hiệu quả, sự hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ, tạo điều kiện cho nhân lực từ nước ngoài đến làm việc, khởi nghiệp vì lợi ích của toàn khu vực. Việt Nam cũng cần tạo được môi trường để giới tri thức nước ngoài muốn đến sống và làm việc, từ đó góp phần tạo dựng nguồn nhân lực tốt, yếu tố rất quan trọng vào thành công trong phát triển.

Chuyên đề