Tái cấu trúc không thành, DATC “dứt áo” IMEX Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo bán toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Định (IMEX Bình Định), đồng thời bán khoản nợ phải thu có giá trị hơn 13,1 tỷ đồng tại doanh nghiệp này. Mặc dù giá khởi điểm bằng mệnh giá, nhưng triển vọng kinh doanh không lợi nhuận có thể làm giảm sức hấp dẫn của IMEX Bình Định trong mắt nhà đầu tư.
DATC sắp bán đấu giá hơn 1,517 triệu cổ phần IMEX Bình Định, tương ứng 50,58% vốn điều lệ, với giá khởi điểm hơn 15,17 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
DATC sắp bán đấu giá hơn 1,517 triệu cổ phần IMEX Bình Định, tương ứng 50,58% vốn điều lệ, với giá khởi điểm hơn 15,17 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Theo thông báo bán đấu giá, DATC sẽ bán đấu giá toàn bộ hơn 1,517 triệu cổ phần của IMEX Bình Định (tương ứng hơn 50,58% vốn điều lệ) với giá khởi điểm hơn 15,17 tỷ đồng vào ngày 3/8/2022 tại Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia. Đi kèm lô cổ phần, DATC sẽ bán khoản nợ phải thu đối với IMEX Bình Định có giá trị tạm tính đến hết tháng 5/2021 là hơn 13,174 tỷ đồng với giá 13,175 tỷ đồng. Tổng giá khởi điểm là hơn 28,34 tỷ đồng.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Định được thành lập tháng 1/2006. Từng là công ty con của Tổng công ty PISICO Bình Định (doanh nghiệp do Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Định nắm cổ phần chi phối), quá trình đổi chủ của IMEX Bình Định diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục kinh doanh thua lỗ với tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 là hơn 47,3 tỷ đồng, đồng thời phát sinh các khoản nợ lớn. Nhằm tái cơ cấu IMEX Bình Định, DATC đã mua lại các khoản nợ phải trả của IMEX Bình Định từ các chủ nợ khác và thay thế PISICO Bình Định làm cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này. Hiện Công ty có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn tổng hợp, dịch vụ cho thuê kho, giao nhận và bảo quản hàng hóa.

Sau khi về tay DATC, tình hình kinh doanh của IMEX Bình Định trong năm 2015 và 2016 đã có những biến chuyển khi lần lượt lãi trước thuế 25,7 tỷ đồng và 2,57 tỷ đồng nhờ các khoản thu nhập khác. Tuy nhiên, các năm sau đó, Công ty tiếp tục thua lỗ. Năm 2020, Công ty lỗ hơn 3 tỷ đồng và đến năm 2021, con số này lên đến 7,1 tỷ đồng. Đây cũng là thời gian các doanh nghiệp nói chung và IMEX Bình Định nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2021, tổng số lỗ lũy kế của IMEX Bình Định là hơn 49,2 tỷ đồng dẫn tới âm vốn chủ sở hữu.

Ngày 6/12/2021, Cục Thuế tỉnh Bình Định ban hành Quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo ngừng sử dụng hóa đơn để thi hành thông báo tiền nợ thuế và tiền chậm nộp, thời hạn cưỡng chế 1 năm kể từ ngày 6/12/2021. Do đó, đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của IMEX Bình Định đưa ra nghi ngại về khả năng hoạt động của Công ty trong thời gian tới.

Cùng với tình hình kinh doanh ảm đạm, bức tranh tài chính của IMEX Bình Định cũng không mấy sáng sủa. Tính đến cuối năm 2021, số dư tiền mặt của Công ty chỉ còn gần 1,2 tỷ đồng, số dư khoản nợ phải thu ngắn hạn có giá trị chưa đến 0,3 tỷ đồng.

Được biết, IMEX Bình Định đang quản lý và sử dụng 3 khu đất với tổng diện tích hơn 65.086 m2 tại Bình Định. Trong đó, đáng chú ý có khu đất 3.252,8 m2 tại số 238 Hùng Vương, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn đang được Công ty dùng làm trụ sở Xí nghiệp Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu. Đây là đất thuê Nhà nước trả tiền hàng năm và có thời hạn sử dụng đến năm 2025. Ngoài ra còn có khu đất diện tích 61.359 m2 tại số 787 Võ Nguyên Giáp, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, là đất thuê của Nhà nước có thời hạn sử dụng đến năm 2036 và khu đất 474,3 m2 đang được sử dụng làm trụ sở chính của Công ty tại số 1 Đống Đa, phường Thị Nại, TP. Quy Nhơn.

Với tình hình tài chính yếu kém và triển vọng kinh doanh không mấy khả quan, DATC không dễ tìm được người mua cổ phần IMEX Bình Định và khoản nợ phải thu trong thương vụ đấu giá này.

Chuyên đề