Việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn do thiếu minh bạch thông tin. Ảnh: Lê Tiên |
Người mua và người bán chưa gặp nhau
Tại Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của ngân hàng và doanh nghiệp” do Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức, ông Vi Tuấn Hiệp, Chánh Văn phòng VAMC đã nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện mua bán nợ xấu. Đặc biệt là việc thị trường mua bán nợ chưa thực hiện được chức năng kết nối người mua và người bán do thông tin bất cân xứng.
Thông tin về các khoản nợ xấu để thực hiện giao dịch trên thị trường rất thiếu minh bạch, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, các cam kết trong hoạt động thế chấp của tổ chức tín dụng chưa đủ chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức mua bán nợ trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Ông Hiệp đưa ra ví dụ trong hợp đồng thế chấp có cho phép người chủ nợ thực hiện quyền chủ nợ và được bán tài sản bảo đảm của khách hàng để trả nợ hay không? Hay một ví dụ khác là một tài sản bảo đảm, về mặt hồ sơ pháp lý thì rất đầy đủ, nhưng khi mà bên mua nợ đi kiểm tra thì mới thấy rằng tài sản bị lấn chiếm và cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, công an để giải quyết. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn và khiến bên mua nợ mất nhiều thời gian trong việc thẩm định khoản nợ và quyết định mua nợ.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc xử lý nợ xấu thường được một tổ chức đứng ra xây dựng kho dữ liệu về nợ xấu để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể tìm kiếm thông tin, tài sản bảo đảm, khoản nợ đáp ứng các nhu cầu của họ. VAMC cho biết, có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến đơn vị này để tìm thông tin về các dự án thủy điện, xăng sinh học, điện mặt trời. Tuy nhiên, nguồn lực của VAMC chưa đủ để xây dựng kho dữ liệu cung cấp cho các nhà đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, có một số nhà đầu tư nước ngoài liên hệ để hỏi về việc mua bán các tài sản bảo đảm, đặc biệt là các bất động sản. Các tài sản này rất tiềm năng nhưng thiếu thông tin để bán.
Một vấn đề khác được đưa ra là việc định giá các khoản nợ xấu. Định giá một khoản nợ giao dịch trên thị trường thường được Nhà nước khuyến khích thực hiện thông qua tổ chức định giá độc lập nhằm tăng tính công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó để thỏa thuận giá. Tuy nhiên, công tác định giá nợ xấu chưa có quy định cụ thể. Hơn nữa, việc định giá tài sản rất khó chính xác vì có rất nhiều phương pháp. Một vấn đề khác dẫn đến vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu được ông Lực nêu ra là quyền sở hữu. Vì vậy, để thị trường mua bán nợ phát triển, nhất thiết phải làm rõ quyền sở hữu tài sản trong việc mua bán nợ.
Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường mua bán nợ
Thông qua phân tích kinh nghiệm phát triển thị trường mua bán nợ từ Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta cần phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ, trước mắt là một nghị định về thị trường mua bán nợ. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, vai trò của nhà đầu tư tư nhân rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ. Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội đã cho phép cả nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, vướng mắc đối với các nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề quyền sở hữu tài sản.
Ngoài ra, việc chứng khoán hóa là cần thiết để phát triển thị trường mua bán nợ. Qua đó, thúc đẩy thị trường mua bán nợ thông qua cả thị trường sơ cấp và thứ cấp để tăng tính thanh khoản cho thị trường. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 về giao dịch bảo đảm, thủ tục rút gọn, định giá nợ và tài sản bảo đảm…
Mặt khác, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết do ngân sách nhà nước hiện nay còn hạn hẹp, nợ công lớn và đang tăng nhanh trong khi nhu cầu chi tiêu của Chính phủ cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội rất lớn.