Tắc nghẽn tiêu thụ, DN vật liệu xây dựng tìm cách tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình hình thị trường khó khăn, đặc biệt là thị trường bất động sản chưa được khơi thông là nguyên nhân chủ yếu khiến tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng (VLXD) sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, tồn kho sản phẩm tăng cao, công nhân thiếu việc làm. Bên cạnh việc tiết giảm chi phí, doanh nghiệp (DN) trong ngành đang kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường.
Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm chỉ bằng 38% kế hoạch năm và giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi
Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm chỉ bằng 38% kế hoạch năm và giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi

Tiêu thụ sụt giảm mạnh

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết, tình hình tiêu thụ VLXD chủ yếu 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với những khó khăn chưa từng có do cầu thị trường giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, một số ngành phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu.

Điển hình là thép, nhiều nhà máy tiếp tục giảm công suất, chỉ trong quý II/2023 đã có tới 13 đợt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng. Thông tin vừa được Tổng công ty Thép Việt Nam công bố cho thấy, nửa đầu năm 2023, giá bình quân các mặt hàng thép đều giảm mạnh từ 14% - 37% so với cùng kỳ 2022. Cầu trong nước và xuất khẩu (XK) thấp, đặc biệt trong quý II khiến hiệu quả kinh doanh của các DN thép sụt giảm mạnh.

“Tính chung 6 tháng đầu năm, tiêu thụ thép thành phẩm chỉ bằng 38% kế hoạch năm và giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thép cán dài giảm 33% và thép cán nguội giảm 24%”, Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay.

Lũy kế 6 tháng, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán thép xây dựng, phôi thép và HRC (thép cuộn cán nóng) đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với xi măng, ông Nga cho biết, thị trường xi măng suy giảm mạnh nửa đầu năm 2023. Ngành xi măng gặp nhiều khó khăn do cung vượt cầu lớn. Nhiều nhà máy xi măng phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò nung.

Thừa nhận thực trạng này, một DN sản xuất xi măng chia sẻ, địa phương nơi DN đứng chân có 2 nhà máy sản xuất xi măng, trong đó, 1 nhà máy gần như đóng cửa nửa năm nay, còn 1 nhà máy sản xuất cầm chừng.

Trong khi đó, thị trường XK xi măng vẫn bao phủ gam màu xám. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng thị trường bất động sản của quốc gia này chưa khởi sắc nên việc XK xi măng sang Trung Quốc vẫn gặp khó khăn. Thị trường Philippines vừa qua đã công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một loạt DN xi măng Việt Nam như: Xi măng Long Sơn, Hạ Long, Thăng Long, Vissai Ninh Bình, Vicem Tam Điệp... khiến DN xi măng thêm khó.

Với DN bê tông, ước tính 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng bê tông giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tấm lợp cũng giảm sâu, tồn kho tăng cao...

Theo đại diện Hội VLXD Việt Nam, việc tắc nghẽn tiêu thụ các sản phẩm VLXD chủ yếu do cầu thị trường sụt giảm mạnh, các dự án bất động sản trên cả nước hầu như bị đóng băng. Các dự án dở dang thì không tiếp tục hoàn thiện, các dự án mới không được triển khai thêm. Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai rất chậm do thiếu quỹ đất được quy hoạch và thủ tục hành chính rườm rà...

Gỡ khó thế nào?

Nhằm thúc đẩy cầu thị trường, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được ban hành như: giảm thuế, kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm thị trường XK... Tuy nhiên, triển vọng thị trường VLXD những tháng cuối năm 2023, theo ông Tống Văn Nga, vẫn rất khó khăn. Mặc dù Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư, trong đó có đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng, nhưng đầu tư công chủ yếu là xây dựng các công trình giao thông nên việc tiêu thụ xi măng, kính, tấm lợp, thép... không đáng kể.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Quang nhận định, trong quý III/2023, triển vọng tiêu thụ vẫn chưa thấy “cửa sáng” và khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm.

Trong văn bản vừa được 8 hiệp hội, hội DN VLXD, trong đó có Hội VLXD Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam... trình Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt kiến nghị nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho DN VLXD đã được nêu lên.

Ông Nga cho biết, tại văn bản, các DN VLXD đề nghị cấp thẩm quyền đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp khơi thông thị trường như: phát triển thị trường nhà ở; triển khai xây dựng nhà ở công nhân gắn liền với khu công nghiệp; đề nghị xem xét, tổ chức điều tra chống bán phá giá đối với gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ...

Bên cạnh đó là giải pháp nghiên cứu xây dựng cầu cạn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và những nơi thích hợp, tùy theo địa hình cụ thể. Việc xây dựng loại cầu này không phụ thuộc vào nguồn cát đắp nền, không cản trở thoát lũ, mang lại lợi ích lâu dài và tiêu thụ được một lượng lớn xi măng, bê tông, sắt thép..., qua đó góp phần tháo gỡ tắc nghẽn thị trường cho ngành VLXD.

Ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam đề xuất, trong lúc các chủ đầu tư, nhà thầu chưa thanh toán được tiền mua VLXD thì các nhà sản xuất VLXD cũng cần được cơ cấu, giãn, hoãn các khoản nợ, giảm lãi suất cho vay để giảm khó khăn.

Từ phía DN, đại diện Công ty CP Xi măng Tân Quang cho hay, trong khó khăn, DN cần thực hiện tất cả các giải pháp để tiết giảm chi phí sản xuất, chủ động liên kết với các DN khác tìm đầu ra cho sản phẩm, chắt chiu từng cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh...

Trước đó, Bộ Xây dựng khuyến cáo, DN VLXD cần nắm bắt diễn biến thị trường để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh. DN phải có chiến lược dài hạn về sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyên đề