Sức khỏe tài chính của nhiều nhà thầu xây dựng suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lợi nhuận sụt giảm trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp báo lỗ, dòng tiền về yếu, áp lực trích lập dự phòng phải thu gia tăng, nợ vay và chi phí lãi vay tăng cao… là câu chuyện chung trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2023. Được dự báo phục hồi nhưng ở mức thấp trong năm 2024, việc tìm lời giải cho bài toán duy trì lợi nhuận và bảo toàn nền tảng tài chính không hề dễ dàng cho các nhà thầu.
Năm 2023, Công ty CP FECON báo lỗ 43,1 tỷ đồng sau thuế, ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên trong hơn chục năm trở lại đây. Ảnh: SL
Năm 2023, Công ty CP FECON báo lỗ 43,1 tỷ đồng sau thuế, ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên trong hơn chục năm trở lại đây. Ảnh: SL

Lợi nhuận giảm sâu, nhiều doanh nghiệp báo lỗ

Là ngành liên quan mật thiết với thị trường bất động sản, sự ảm đạm của thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Kinh doanh khó khăn khiến các nhà thầu phải giảm giá để tìm kiếm dự án, biên lợi nhuận không được cải thiện…

Tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, dù đã ghi nhận khoản lãi sau thuế 101 tỷ đồng trong quý IV/2023 nhưng với 3 quý trước đó thua lỗ, lũy kế năm 2023, Công ty báo lỗ sau thuế 782 tỷ đồng, ghi nhận năm thua lỗ thứ 2 liên tiếp. Đáng chú ý, khoản lãi đạt được trong quý IV/2023 chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu đã trích lập lên đến 310 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính không đủ bù đắp các khoản chi phí hoạt động phát sinh. Tính chung năm 2023, doanh thu của Xây dựng Hòa Bình đạt 7.546 tỷ đồng, giảm 46,7% so với năm 2022, đây cũng là mức doanh thu thấp nhất trong 8 năm qua. Biên lợi nhuận gộp đạt 3,72%, cải thiện so với năm 2022 nhưng thấp hơn nhiều giai đoạn 2021 trở về trước.

Năm 2023, Công ty CP FECON báo lỗ 43,1 tỷ đồng sau thuế, ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên trong hơn chục năm gần đây. Thực tế tình hình kinh doanh của FECON đã có nhiều khó khăn từ năm 2022, tuy nhiên khi đó Công ty có khoản lãi nhờ thanh lý khoản đầu tư lên đến 145 tỷ đồng giúp bù đắp cho khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chính và có lãi.

Tại Công ty CP Xây dựng Coteccons, số liệu kinh doanh có phần khả quan hơn khi nửa đầu niên độ tài chính 2023/2024 (năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024), Công ty đạt doanh thu thuần 9.783 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 135,7 tỷ đồng, gấp 8,8 lần cùng kỳ niên độ trước. Tuy vậy, con số lợi nhuận này còn quá nhỏ so với quy mô tài sản, nguồn vốn lên đến 21.652 tỷ đồng đến cuối năm 2023. Thêm vào đó, phần lớn lợi nhuận của Coteccons đến từ các khoản thu nhập tài chính. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 269 tỷ đồng, đủ bù đắp chi phí tài chính và chi phí quản lý.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành xây dựng, Ban lãnh đạo Coteccons đã cho thấy nhiều nỗ lực đưa Công ty vượt khó như tham gia đấu thầu xây dựng các dự án đầu tư công, tìm kiếm các hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp và kế hoạch mở rộng sang thị trường nước ngoài, hay mới nhất là việc mua bán và sáp nhập (M&A) một công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công lắp đặt hệ thống cơ điện (M&E) và một công ty chuyên sản xuất cửa sổ và cửa đi, nhôm kính, panel… để hoàn thiện chuỗi giá trị cho hoạt động xây dựng. Tuy vậy, sự phục hồi của Coteccons vẫn còn khá chậm.

Nợ vay tăng, rủi ro tiềm ẩn từ các khoản phải thu

Khối lượng công việc sụt giảm cùng việc các chủ đầu tư dự án khó khăn về thanh khoản không chỉ ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư các dự án mà còn ảnh hưởng tới hoạt động thanh toán công nợ. Dòng tiền của nhiều nhà thầu bị ảnh hưởng, phải tăng phụ thuộc vào vốn vay, làm tăng áp lực chi phí lãi vay, nhất là ở giai đoạn lãi suất cao nửa đầu năm 2023.

Tại Xây dựng Hòa Bình, cùng với kinh doanh thua lỗ, cơ cấu tài chính của Công ty cũng cho thấy dấu hiệu mất cân đối với số lỗ lũy kế tính đến 31/12/2023 lên đến 2.877 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu còn lại 453,6 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên đến 12.601 tỷ đồng, chiếm 96,5% cơ cấu nguồn vốn. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn đến 31/12/2023 dù có giảm so với đầu năm nhưng vẫn tới 4.717 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của Xây dựng Hòa Bình lên đến 8.492 tỷ đồng, dù giảm 20,4% về giá trị so với đầu năm nhưng vẫn là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản, với tỷ lệ 68,5%. Trong bối cảnh các chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, giá trị phải thu cao mang đến nhiều e ngại về rủi ro nợ xấu có thể phát sinh. Mặc dù đã hoàn nhập dự phòng 310 tỷ đồng trong quý IV/2023, giá trị khoản trích lập dự phòng phải thu của Công ty đến cuối năm 2023 vẫn lên đến 2.126 tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng so với đầu năm.

Tại FECON, đến cuối tháng 2/2024, Công ty thông báo chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức trên lợi nhuận từ năm 2022. Với mức cổ tức 500 đồng/cổ phần, tổng số tiền cần cho đợt chi trả này là 78,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, FECON chỉ trả trước 100 đồng/cổ phần vào cuối tháng 3/2024, phần còn lại dự kiến tháng 12/2024 mới về tài khoản của cổ đông. Việc chậm trả cổ tức phản ánh phần nào bức tranh dòng tiền khó khăn mà FECON đang phải đối mặt. Trước đó, tại Nghị quyết tháng 12/2023, HĐQT FECON lý giải nguyên nhân kéo dài thời hạn thanh toán cổ tức là do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn.

Tính đến cuối năm 2023, số dư khoản phải thu ngắn hạn của FECON là 3.829,6 tỷ đồng, chiếm 43,6% cơ cấu tài sản và tăng 18,6% so với đầu năm. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của FECON tăng hơn 1.300 tỷ đồng trong năm 2023, lên 5.413 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ vay là 2.953 tỷ đồng, tăng 245 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của FECON trong năm 2023 lên đến 260 tỷ đồng, tương đương 53,6% lợi nhuận gộp.

Với Coteccons, mặc dù vẫn giữ được vị thế là một doanh nghiệp xây dựng có nền tảng tài chính mạnh nhưng nền tảng này đã suy giảm so với giai đoạn trước. Từ chỗ không sử dụng nợ vay, Coteccons bắt đầu sử dụng vốn vay từ năm 2022 và đến cuối năm 2023, số dư nợ vay là 1.078 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, giá trị phải thu ngắn hạn của Coteccons là 11.845 tỷ đồng, chiếm tới 54,7% cơ cấu tài sản. Giá trị khoản phải thu giảm 234 tỷ đồng so với đầu niên độ tài chính nhưng chủ yếu là giảm từ thu hồi các khoản cho vay, trong khi phải thu từ khách hàng gia tăng. Giá trị trích lập dự phòng phải thu đến cuối năm là 1.258 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng so với đầu niên độ, trong đó có trích lập dự phòng cho khoản phải thu từ các chủ đầu tư lớn như: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Công ty TNHH Saigon Glory (thuộc Tập đoàn Bitexco), Công ty CP Đầu tư Minh Việt...

Theo báo cáo của bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), trong năm 2023, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nhóm xây dựng dân dụng - công nghiệp giảm mạnh, thể hiện qua số ngày chuyển đổi tiền mặt tăng từ 160 ngày lên 191 ngày, chủ yếu đến từ số ngày phải thu tăng mạnh, trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, kéo theo các doanh nghiệp xây dựng dân dụng phải đi vay ngắn hạn để bù đắp vốn lưu động. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của nhóm doanh nghiệp xây dựng dân dụng - công nghiệp tăng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2022.

Năm 2024, FPTS đánh giá nhóm xây dựng dân dụng - công nghiệp sẽ phục hồi nhờ mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp và giúp thị trường bất động sản dân dụng hồi phục. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện dự kiến tăng trưởng sẽ tác động tích cực tới hoạt động xây dựng công nghiệp. Tuy nhiên, kỳ vọng phục hồi vẫn ở mức thấp trước tình hình cấp phép dự án nhà ở thương mại hiện chưa có tiến triển và hệ thống pháp lý còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới triển vọng của ngành.

Chuyên đề