Mảng xây lắp kéo giảm lợi nhuận nhiều nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hưởng lợi từ các gói thầu hạ tầng giao thông, nhiều nhà thầu xây dựng ghi nhận doanh thu năm 2023 tăng trưởng so với năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời thấp khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đi lùi, thậm chí biên lợi nhuận của mảng xây lắp bị âm. Năm 2024, lượng vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông lên tới 422.000 tỷ đồng sẽ là nguồn việc đáng kể cho các nhà thầu xây dựng, nhưng lợi nhuận có tương xứng hay không vẫn là câu hỏi ngỏ.
Lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng sụt giảm do phải gánh thêm nhiều chi phí tài chính, quản lý trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công, ca máy tăng mạnh. Ảnh: Nhã Chi
Lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng sụt giảm do phải gánh thêm nhiều chi phí tài chính, quản lý trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công, ca máy tăng mạnh. Ảnh: Nhã Chi

Lợi nhuận chưa tương xứng với doanh thu

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn được triển khai năm 2023 giúp nhiều doanh nghiệp xây lắp ghi nhận doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lại đi lùi.

Đơn cử, doanh thu năm 2023 của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tăng tới 50% so với năm 2022, đạt 12.704 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex giảm 64% còn 336,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động xây lắp đóng góp 65% doanh thu (8.273 tỷ đồng, tăng 35,6% so với năm 2022), nhưng lợi nhuận gộp lại âm tới 315 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong doanh thu của Vinaconex là mảng bất động sản, đạt 2.314 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm ngoái, đây cũng là mảng có biên lợi nhuận gộp cao, đạt 30,8%.

Công ty CP LIZEN đạt 2.030 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, cao gấp 2 lần so với năm 2022. Trong đó, hoạt động xây dựng đóng góp 1.894 tỷ đồng, chủ yếu từ hợp đồng thực hiện các gói thầu xây lắp thuộc cao tốc Vũng Áng - Bùng, cao tốc Nha Trang - Vân Phong. Lợi nhuận sau thuế của LIZEN đạt 118,3 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2022.

Công ty CP Xây dựng 47 ghi nhận doanh thu tăng 25% so với năm 2022, đạt 986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đi ngang ở mức 15,5 tỷ đồng. Công ty cho biết, Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng có khối lượng và doanh thu lớn trong năm 2023, nhưng do một số khó khăn làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó, việc giải ngân của một số chủ đầu tư bị chậm gây ảnh hưởng đến dòng tiền, làm tăng chi phí tài chính năm 2023.

Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả là số ít doanh nghiệp xây dựng hạ tầng ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Kết thúc năm 2023, doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 2.686,56 tỷ đồng, tăng 28,26% so với năm 2022, vượt 8% kế hoạch doanh thu năm 2023. Hai hoạt động chính của Công ty là thu phí các dự án BOT và thi công xây lắp đều ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thu phí đạt 1.572,6 tỷ đồng, tăng 6%; mảng xây lắp mang về 1.047,3 tỷ đồng, tăng 97,5%, chủ yếu ghi nhận từ những gói thầu thuộc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và đường ven biển Bình Định.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty tăng gần 22% so với năm 2022, đạt 362 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu do biên lợi nhuận của hoạt động xây lắp thấp hơn mảng thu phí BOT. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp chỉ đạt 8,2%, còn của mảng thu phí là 62%.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Bạch Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 99 (thuộc Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, nguyên nhân tỷ suất lợi nhuận của hoạt động xây lắp rất thấp do giá vật liệu xây dựng, nhân công, ca máy tăng mạnh. Bên cạnh đó, tiến độ một số công trình cao tốc còn bị kéo dài do vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay. “Đơn cử như bên mình đang thi công cao tốc trục phía Nam, giá cát phê duyệt là 230.000 đồng/khối nhưng thực tế đang phải mua với giá 300.000 đồng/khối”, ông Dương chia sẻ.

Nguồn việc lớn từ các dự án đầu tư công

Theo báo cáo của SSI Research, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 là 677,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn 18% so với năm 2023 và chưa tính phần giải ngân từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu giả định 95% kế hoạch vốn năm 2023 sẽ được giải ngân và khoảng 40 nghìn tỷ đồng được chuyển từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thì tổng vốn đầu tư phát triển năm 2024 có thể đạt 710 nghìn tỷ đồng.

Nhiều công trình hạ tầng lớn được kỳ vọng khởi công xây dựng trong năm 2024 sẽ bảo đảm nguồn công việc lớn cho các nhà thầu, bao gồm những dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý cũng như phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Nổi bật là các dự án: Tân Phú - Bảo Lộc (tổng mức đầu tư 18 nghìn tỷ đồng), Bảo Lộc - Liên Khương (19,52 nghìn tỷ đồng), TP.HCM - Chơn Thành (21,52 nghìn tỷ đồng), Mỹ An - Cao Lãnh (6,21 nghìn tỷ đồng), Cao Lãnh - An Hữu (5,89 nghìn tỷ đồng), Hòa Bình - Mộc Châu (10 nghìn tỷ đồng), Đồng Đăng - Trà Lĩnh (21,62 nghìn tỷ đồng), Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định (19,78 nghìn tỷ đồng), Hữu Nghị - Chi Lăng (11,2 nghìn tỷ đồng), TP.HCM - Mộc Bài (20,89 nghìn tỷ đồng), Gia Nghĩa - Chơn Thành (25,54 nghìn tỷ đồng), Dự án thành phần 3, đường Vành đai 4 Hà Nội (56,54 nghìn tỷ đồng)…

Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được khởi công ngày 1/1/2024. Bên cạnh đó, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã được tỉnh Lạng Sơn phê duyệt quyết định đầu tư, dự kiến khởi công trong quý I/2024.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư