Sức ép lạm phát nhiều phía, ứng phó cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới, nhiều loại nguyên vật liệu khác cũng đang trên đà tăng giá. Điều này gây quan ngại về khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần cân nhắc, ưu tiên kiểm soát lạm phát để bảo đảm ổn định vĩ mô, có thể bằng các giải pháp khác với tính toán ban đầu như tăng lãi suất điều hành, tiếp tục cắt giảm thuế, phí để giảm giá đầu vào hàng hóa, dịch vụ.
Nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh đang trên đà tăng giá. Ảnh: Phương Đông
Nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh đang trên đà tăng giá. Ảnh: Phương Đông

Ngày 7/3, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 126,4 USD/thùng, tăng 10,45 USD so với giá đóng cửa phiên trước đó, tương đương 9,03%, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức kỷ lục mới 129,9 USD/thùng, tăng 9,96%, tương đương 11,76 USD.

Ở thị trường trong nước, sau phiên điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng RON 95 có giá gần 27.000 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 là 26.077 đồng/lít... Trên thị trường nguyên vật liệu, theo thông báo gửi tới khách hàng ngày 5/3/2022, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên cho biết quyết định tăng giá bán thành phẩm trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng vừa thông báo điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi mức 200 - 300 đồng/kg. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Cơ quan này cũng cho biết, giá phân bón đang tăng và có thể tiếp tục lên mức cao trong thời gian tới.

Với giá xăng dầu, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100 - 125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40 - 75%. Khi đó, chỉ riêng yếu tố giá xăng dầu tác động làm lạm phát tăng từ 1,44 - 2,7 điểm %.

Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước nhằm tránh cú sốc trước đà tăng giá của nhiều loại mặt hàng.

Bộ Tài chính cho biết tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng...; không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI của quý II để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang “thấm” vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khiến tổng cầu tăng mạnh, gây áp lực rất lớn lên lạm phát trong năm 2022. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 gây đứt gãy sản xuất và chuỗi cung ứng, nếu sản xuất không sớm trở lại bình thường, thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá cả tăng cao.

“Như vậy, áp lực lạm phát trong năm 2022 vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như từ chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng trong nước. Việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không dễ dàng”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, bên cạnh các giải pháp về tài khóa và tiền tệ, kiểm soát giá cả thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần thực hiện minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại, giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng Việt trên thị trường thế giới.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine là yếu tố tác động gián tiếp đến kinh tế Việt Nam, khiến nguy cơ nhập khẩu lạm phát tăng cao. “Giá dầu thô và giá lương thực đã tăng rất cao trong năm 2021 và tiếp tục tăng mạnh ngay từ đầu năm nay. Áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát để tránh gây tác động xấu đến kinh tế vĩ mô” ông Ánh nói.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, các mục tiêu kinh tế vĩ mô cần linh hoạt thích ứng, có thể theo hướng ưu tiên ổn định vĩ mô trong đó có kiểm soát lạm phát hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hay nói cách khác, có thể phải thay đổi mục tiêu giảm lãi suất bằng việc có thể tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát, hoặc nới mục tiêu lạm phát 4% để phù hợp với diễn biến mới và có cách điều hành tương ứng.

Chuyên đề