Sửa quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế: Tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với sự phát triển của các KCN, KKT, khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này cần được rà soát, hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên

Đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, lũy kế đến cuối tháng 5/2021, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được 10.853 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 10.186 dự án trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký lần lượt là 228,4 tỷ USD và 2,53 triệu tỷ đồng. Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.

Bộ KH&ĐT nhận định, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, phát triển khu chức năng trong KKT có tác động lan tỏa, đồng thời tạo nguồn thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật của các địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển. KCN, KKT cũng là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mô hình phát triển KCN của Việt Nam cần có sự đổi mới để đón xu thế đầu tư trên thế giới, phù hợp với những định hướng thu hút đầu tư mới của đất nước. Mô hình phát triển các KCN trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và bắt kịp tiến trình Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình KCN sạch, KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN là rất quan trọng để tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là khi các nước trong khu vực đang đẩy rất nhanh công việc này. Hạ tầng ở đây không chỉ là đất sạch, nhà xưởng, điện nước, mà cả hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục đi kèm để phục vụ cho chuyên gia, cán bộ nước ngoài và người lao động, giúp họ yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, về khung pháp lý, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT.

Mở ra mô hình mới, tăng sức cạnh tranh

Từ thực tiễn này, Bộ KH&ĐT cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (NĐ 82) quy định về quản lý KCN và KKT là cần thiết, để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT và xử lý được nhiều vấn đề còn tồn tại.

Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, như yêu cầu đảm bảo dành tối thiểu 5% diện tích đất KCN cho các doanh nghiệp này. Một trong những trường hợp được đề xuất không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) là nhà đầu tư cam kết dành tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trong KCN cho dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư. Đồng thời, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong KKT hoặc dự án đầu tư thuộc diện áp dụng hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư thực hiện trong KCN. Bổ sung quy định về mô hình KCN chuyên sâu (chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề nhất định).

Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể, chi tiết hơn về phương án đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình xã hội phục vụ người lao động làm việc trong KCN; bổ sung quy định về biện pháp xử lý trong trường hợp giá cho thuê lại đất trong KCN tăng trên 30% so với khung giá cho thuê lại đất đã đăng ký...

Theo đại diện một số ban quản lý KCN, KKT, việc ban hành Nghị định thay thế NĐ 82 sẽ tạo hành lang pháp lý cho các loại hình KCN mới để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các KCN, hoàn thiện mô hình KCN, KKT và giải quyết các quy định còn chưa phù hợp với văn bản pháp luật mới được ban hành. Đặc biệt, việc tiếp tục phân cấp ủy quyền cho ban quản lý KCN, KKT theo cơ chế “một cửa tại chỗ” tạo thuận lợi thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Chuyên đề