Sửa Luật Đấu thầu: Tạo động lực đổi mới cho DN Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), Luật Đấu thầu 2013 đã có quy định nhưng chưa đầy đủ để khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu; ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước… Trên thực tế, việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong các gói thầu/dự án bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Để thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, dự kiến sẽ bổ sung quy định cụ thể về cách tính ưu tiên, ưu đãi đối với các loại hàng hóa này...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Để thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, dự kiến sẽ bổ sung quy định cụ thể về cách tính ưu tiên, ưu đãi đối với các loại hàng hóa này...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Chưa khuyến khích sản xuất trong nước

Đối với thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu, Luật Đấu thầu quy định ưu tiên cho hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa từ 25% trở lên. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều mặt hàng được ưu tiên mặc dù toàn bộ hoặc phần lớn nguyên vật liệu, vật tư được nhập khẩu từ nước ngoài, sau đó tiến hành chế biến, chế tạo, lắp đặt tại Việt Nam và đăng ký thương hiệu, dán nhãn mác hàng hóa sản xuất trong nước. Ông Cao Thanh Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ 3A+ cho rằng, quy định nêu trên không thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước mà còn làm ngành sản xuất, chế tạo trong nước chậm phát triển.

Đối với mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, nhiều ý kiến cho rằng, nếu giữ các quy định như hiện nay, sẽ không tạo cơ hội cho nhà sản xuất trong nước cũng như không khuyến khích DN trong nước sáng tạo, cải tiến công nghệ và đẩy nhanh tiến trình áp dụng công nghệ mới. Lý do là hầu hết DN khởi nghiệp sáng tạo có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, mới được thành lập, có mô hình kinh doanh mới và hầu như chưa tham gia vào thị trường mua sắm công; các sản phẩm đổi mới sáng tạo là những sản phẩm lần đầu tiên có mặt trên thị trường nên khi tham dự thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành sẽ không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.

Về mua sắm công xanh, ông Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam đã có một số cơ chế, chính sách thực hiện mua sắm công xanh. Tuy nhiên, chính sách chưa hoàn thiện, đặc biệt là các văn bản liên quan đến đầu tư công, đấu thầu, nên chưa khuyến khích được DN sản xuất xanh.

Tiếp sức cho hàng Việt

Theo Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến, dự kiến sửa đổi nội dung này để tạo động lực, kích thích đổi mới, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, hướng phát triển bền vững thông qua hoạt động đấu thầu.

Cụ thể, Luật Đấu thầu năm 2013 dự kiến sẽ được sửa theo hướng tiếp tục thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo với việc quy định về ưu đãi cho DN nhỏ, siêu nhỏ, ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, các sản phẩm sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo hoặc DN có sản phẩm đổi mới sáng tạo tham gia vào thị trường mua sắm công...

Để thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, dự kiến sẽ bổ sung quy định cụ thể về cách tính ưu tiên, ưu đãi đối với các loại hàng hóa này so với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa thấp. Nhà thầu chào các loại hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ được ưu tiên; hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ được ưu tiên sử dụng để thay thế cho hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, sẽ bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu sản xuất, cung cấp các sản phẩm đổi mới sáng tạo, điều kiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ là các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Bổ sung quy định ưu tiên sử dụng các sản phẩm đổi mới sáng tạo để thay thế hàng nhập khẩu.

Đối với mua sắm xanh, dự kiến bổ sung quy định về lộ trình bắt buộc các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm phải xem xét và đặt yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiêu hao ít năng lượng...

Bên cạnh đó, dự kiến sẽ bổ sung quy định ưu tiên, ưu đãi cho nhà thầu là các DN sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế (phụ nữ, thương binh, người khuyết tật) và hàng hóa được sản xuất bởi nhóm yếu thế theo hướng thực chất, hiệu quả hơn…

Chuyên đề