Cần thêm nhiều "bà đỡ" cho hàng Việt bên cạnh Luật Đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký và ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Theo đó, để phát huy hiệu quả của cuộc vận động này, cần nhiều hơn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh quy định ưu đãi hàng sản xuất trong nước của pháp luật đấu thầu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chưa thực sự toàn diện

Theo đánh giá của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay. Qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội...

Tuy nhiên, Ban Bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hoá Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước; việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế…

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động này trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam…

Chính sách đấu thầu bám sát thực tiễn

Theo Ban Bí thư, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

Theo các nhà thầu, trong hệ thống chính sách hỗ trợ hàng sản xuất trong nước, quy định về đấu thầu đang có những tiến bộ, cải cách lớn để trực tiếp đưa tỷ lệ sử dụng hàng Việt ngày càng tăng.

Cụ thể, từ năm 2013, Luật Đấu thầu có sự đột phá trong các nội dung hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước khi tham gia đấu thầu. Nghị định số 63 và các thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà thầu quy định chi tiết tỷ lệ ưu đãi dành cho hàng hóa sản xuất được trong nước.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg (CT13) về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu. CT13 đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ khi nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước.

Nhờ hệ thống "bệ đỡ" hàng trong nước từ khung pháp lý đấu thầu, giai đoạn 2015 - 2020 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của các nhà thầu cung cấp thiết bị. Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm hơn 80% giá trị các gói thầu hàng hóa mua sắm.

Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, để hàng Việt là lựa chọn chủ lực của các chủ đầu tư, các sản phẩm sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu phải được ưu tiên hơn so với các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất. Đồng thời, sản phẩm trong nước phải có chứng nhận về chất lượng của Cục Quản lý chất lượng đo lường trong nước hoặc quốc tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư