Nỗ lực định vị hàng Việt trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM vừa ban hành danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 cùng nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển. Đây là một trong những nỗ lực của TP.HCM nhằm hỗ trợ sản phẩm của các nhà thầu Việt Nam dần chiếm lĩnh thị phần, bắt đầu từ các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước.
6 nhóm ngành TP.HCM ưu tiên phát triển bao gồm: cơ khí, cao su - nhựa; lương thực, thực phẩm; công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; dệt may và dược nhằm nỗ lực định vị hàng Việt trong đấu thầu. Ảnh Internet
6 nhóm ngành TP.HCM ưu tiên phát triển bao gồm: cơ khí, cao su - nhựa; lương thực, thực phẩm; công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; dệt may và dược nhằm nỗ lực định vị hàng Việt trong đấu thầu. Ảnh Internet

6 nhóm sản phẩm chủ lực định danh hàng Việt

Tiêu chí chung của sản phẩm công nghiệp chủ lực nêu trên là được sản xuất bởi doanh nghiệp của TP.HCM. Sản phẩm có thiết kế sáng tạo, tính ưu việt, có độ bền và chất lượng cao. Ưu tiên cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia hay tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu hay có tiềm năng xuất khẩu, có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

6 nhóm ngành TP.HCM ưu tiên phát triển bao gồm: cơ khí, cao su - nhựa; lương thực, thực phẩm; công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; dệt may và dược. Sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; nhóm thiết bị điện; nhóm sản phẩm từ nhựa, cao su; nhóm thực phẩm chế biến; nhóm đồ uống; nhóm điện tử - công nghệ thông tin; nhóm trang phục may sẵn.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, các sở, ngành sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. “Trong thời gian tới nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM sẽ phát triển thành những thương hiệu mạnh mang tầm khu vực, thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp Thành phố vươn lên hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sản phẩm chủ lực của TP.HCM sẽ giúp định danh hàng Việt trong thói quen tiêu dùng của mỗi chủ đầu tư, bên mời thầu cũng như người dân”, ông Kiên nhận định.

Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, đây là các nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, nhiều tiềm năng, đóng góp đáng kể cho tổng sản phẩm nội địa và phát triển kinh tế của Thành phố.

UBND TP.HCM khẳng định, việc đưa ra danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của Thành phố đồng thời với triển khai rà soát và có chiến lược hỗ trợ, ưu tiên, khuyến khích sẽ tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp và nhà thầu phát triển. TP.HCM cam kết triển khai các chính sách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố trở thành những thương hiệu mạnh và có khả năng cạnh tranh, nâng cao khả năng trúng thầu cho doanh nghiệp Việt.

Những nhà thầu tiên phong

Tại TP.HCM, nhiều nhà thầu đã lấy được niềm tin của các chủ đầu tư, bên mời thầu tại các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đặc biệt, nhiều khách hàng khó tính như doanh nghiệp khối FDI đã tin tưởng sử dụng hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ Việt Nam, có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Chỉ riêng lĩnh vực thiết bị điện, một loạt tên tuổi như Hữu Hồng, Tuấn Ân, CADIVI… đã chinh phục được thị hiếu của khách hàng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam đều cho biết, với tư cách là chủ đầu tư, hoàn toàn yên tâm khi tổ chức đấu thầu mà các nhà thầu này tham gia, cung ứng thiết bị.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cơ khí lớn của TP.HCM như Samco, Hữu Toàn, Thái Dương đã vượt qua được những thương hiệu nhập ngoại trong nhiều năm qua tại các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước.

Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, tên tuổi của máy tính Việt Nam như FPT hiện nay chiếm lĩnh nhiều địa bàn ở cả miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Hàng loạt gói thầu mua sắm tập trung thiết bị văn phòng của TP.HCM đều có sự tham gia của FPT.

UBND TP.HCM khẳng định, Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã có quy định về ưu đãi dành cho hàng hóa trong nước đã sản xuất được. Do đó, TP.HCM ban hành danh mục nhóm sản phẩm chủ lực sẽ giúp nhà thầu sản xuất và cung ứng thiết bị xuất xứ Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế tại các gói thầu mua sắm hàng hóa sử dụng ngân sách nhà nước.

Chuyên đề