Sửa Luật Đấu giá tài sản: Kỳ vọng giảm tiêu cực trong đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tư pháp đang chuẩn bị xây dựng Hồ sơ đề nghị soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) và đề xuất đưa Dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2023. Nhiều nhóm chính sách khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS vừa được Bộ Tư pháp đưa ra bàn thảo, với mong muốn tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ĐGTS.
Vụ bán đấu giá tài sản của Công ty CP Dệt Long An xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Ảnh: C.T
Vụ bán đấu giá tài sản của Công ty CP Dệt Long An xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Ảnh: C.T

Tháng 11/2016, Luật ĐGTS lần đầu tiên được Quốc hội thông qua. Sau gần 5 năm có hiệu lực, theo đánh giá của Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật ngày 3/10/2022, thể chế về ĐGTS đã được hoàn thiện, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá. Đồng thời, Luật đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động ĐGTS phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, do các tổ chức ĐGTS chuyên nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều hạn chế do quy định pháp lý chưa chặt chẽ, rõ ràng, chưa bắt kịp xu hướng thời cuộc.

Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, các Sở Tư pháp địa phương đã tiến hành khoảng 200 cuộc thanh tra về tổ chức và hoạt động ĐGTS; ban hành hơn 70 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm tập trung vào các hành vi không đúng quy định, như niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá; ban hành Quy chế đấu giá; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; thu tiền đặt, trả tiền trước... Những sai phạm này đã cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá, đồng thời trong một số trường hợp đã tạo kẽ hở, cho phép người không đủ điều kiện “nhảy vào” cuộc đấu giá, hoặc thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ" giữa những người tham gia đấu giá... Ở một số trường hợp khác, cơ quan chức năng phát hiện ra việc người có tài sản, tổ chức ĐGTS thu thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá không đúng quy định.

Một số vụ việc nổi cộm đã được cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, xử lý quyết liệt, như vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND tỉnh Thanh Hóa hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán thành công của tài sản đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng. Vụ ĐGTS của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, giúp tài sản của Nhà nước không bị thất thoát. Tình trạng “cò”, đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam đã được cơ quan công an vào cuộc và đảm bảo an ninh... Ngoài ra, các vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắk Nông; vụ bán ĐGTS của Công ty CP Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá.

Ông Trần Chí Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đề nghị, để khắc phục những tồn tại trong hoạt động ĐGTS, bên cạnh việc phổ biến, quán triệt việc thi hành các quy định của Luật ĐGTS và các văn bản pháp lý, thì giải pháp lâu dài là cần phải rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về ĐGTS. Ông ủng hộ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS, nhằm tạo một nền tảng pháp lý mới chặt chẽ, minh bạch và thúc đẩy tính hiệu quả cao hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong lần sửa Luật này, cần tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục ĐGTS, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực như thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, trả giá cao rồi “bỏ cọc” gây những hiệu ứng xấu, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội. Quy định pháp lý cũng cần chặt chẽ hơn về điều kiện tham gia đấu giá, chế tài xử lý trong trường hợp có vi phạm; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bán ĐGTS.

Theo ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, sau 5 năm thi hành Luật ĐGTS, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cần tập trung vào một số nhóm chính sách lớn, trong đó, cần xác định rõ hơn phạm vi áp dụng của Luật ĐGTS, mối quan hệ giữa luật này với các luật khác. Quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục bán đấu giá các tài sản, nhưng phải tính tới các đặc thù của loại tài sản bán đấu giá (tài sản đang trong giai đoạn thi hành án; khoáng sản; tần số vô tuyến điện; hạn ngạch nhập khẩu, xuất khẩu...) và đa dạng hóa các hình thức bán ĐGTS. Việc hoàn thiện các quy định pháp lý trên cơ sở những tổng kết từ thực tiễn sẽ góp phần nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp không chỉ của đấu giá viên, mà còn của các chủ thể khác, đồng thời xử lý các vướng mắc để ĐGTS được thông suốt, hiệu quả trong tương lai.

Tính đến tháng 8/2022, 63 tỉnh, thành của Việt Nam đều có tổ chức ĐGTS được cấp phép hoạt động, trong đó Hà Nội có số lượng dẫn đầu với 118 tổ chức ĐGTS; TP. HCM có 95 tổ chức ĐGTS; Thanh Hóa (41); Đà Nẵng (28); Nghệ An (26); Bà Rịa - Vùng Tàu (22) tổ chức ĐGTS... Nhu cầu từ thực tiễn cùng sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái ĐGTS đòi hỏi cơ sở pháp lý cho hoạt động này phải được bổ sung, hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chu trình hoạt động. Trong môi trường số, công tác quản lý nhà nước cũng cần đổi mới mới có thể bắt kịp sự sôi động của thời cuộc và định hướng các chủ thể tham gia đi đúng con đường minh bạch, tôn trọng các quy luật thị trường.

Chuyên đề