Sớm giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động của nhiều doanh nghiệp sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2023. Thực trạng đó đòi hỏi phải sớm có phương án miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp (DN), người dân. Một số ý kiến cho rằng, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong năm 2023 và xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DN nhỏ và vừa là giải pháp có thể thực hiện ngay và mang lại hiệu quả tích cực.
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ góp phần tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Trần Việt
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ góp phần tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Trần Việt

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%) và là mức tăng cao nhất cùng kỳ tháng 1 từ năm 2016 đến nay. Đây là điều đã được dự báo từ trước, khi lạm phát và giá cả tháng 1 chịu tác động cộng hưởng đồng thời bởi nhiều yếu tố: quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết; các chính sách hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… hết hiệu lực từ đầu năm 2023; xu hướng lạm phát tăng từ nửa cuối năm 2022 đến nay; chi phí sản xuất tăng…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình DN, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, DN khó tiếp cận vốn sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023. Điều này đòi hỏi phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ DN để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, khẩn trương nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho DN, người dân.

Từ góc độ các chính sách hỗ trợ trong năm qua, chính sách giảm thuế GTGT đươc đánh giá cao nhất về hiệu quả với gần 39 nghìn tỷ đồng đã thực hiện, chiếm hơn 48% tổng số thuế đã miễn, giảm trong năm 2022. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất nên tiếp tục kéo dài chính sách này trong năm 2023, song chưa được cơ quan chức năng xem xét.

Về các chính sách hỗ trợ tài khóa năm 2023, mới chỉ có Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2023 đến 31/12/2023.

Về cách chính sách khác, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2023. Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho DN, hộ gia đình, cá nhân.

Cơ quan này cũng đang nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế GTGT và thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, mang tính kế thừa năm 2022.

Tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 80,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó: giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với một số loại xe khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng; giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí khoảng 900 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 năm 2022 khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), cách thức hỗ trợ thực tế và dễ triển khai nhất cho DN và người dân là giảm thuế. “Trong khi chính sách hỗ trợ lãi suất hầu như không thể triển khai thì chính sách giảm thuế GTGT có hiệu quả rất tốt trong năm qua. Do đó nên cân đối nguồn lực để tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Đồng thời, xem xét giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa. Việc giảm thuế suất của hai sắc thuế này sẽ mang lại hiệu quả ngay cho DN và nền kinh tế xét về mặt kích cầu tiêu dùng, tăng thêm nguồn lực cho DN sản xuất, kinh doanh, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Minh nói.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc giảm thuế GTGT và thuế TNDN sẽ có ý nghĩa và hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đáng chú ý, rủi ro lạm phát được dự báo ở mức cao trong thời gian tới, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá hàng hóa tiêu dùng, góp phần kích cầu tiêu dùng nhưng không làm tăng lạm phát.

Về những bất cập trong thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2022, theo ông Mạc Quốc Anh, các DN và cơ quan chức năng đã khắc phục được và thực thi với hiệu quả tốt. “Rút kinh nghiệm cho năm nay, thay vì chỉ giảm thuế GTGT với một số lĩnh vực và nhóm hàng nhất định gây khó cho việc tính toán, thủ tục giấy tờ, thì có thể tính toán giảm thuế GTGT đồng đều, cùng mức với tất cả các loại hàng hóa. Thực tế, ngân sách nhà nước có giảm thu nhưng không lớn, song hiệu quả mang lại sẽ cao và DN có sức phục hồi sẽ quay lại đóng góp cho ngân sách nhà nước trong những năm sau”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Chuyên đề