“Soi” sức khỏe các “ông lớn” bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tình trạng giãn cách xã hội tại những địa phương vốn là tâm điểm của thị trường bất động sản (BĐS) như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương... khiến doanh nghiệp (DN) BĐS gặp nhiều khó khăn. Khảo sát tình hình tài chính của các DN đầu ngành tại thời điểm cuối tháng 6 cho thấy, nhiều DN vẫn giữ được tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu thấp hơn mức bình quân ngành.

Nợ vay tăng nhưng mức tăng không lớn

Tính đến cuối quý II/2021, tổng nợ vay của các DN khảo sát là 95.101 tỷ đồng, tăng 2.550 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (tương ứng tăng 2,7%). Trong đó, tổng nợ vay của Công ty CP Vinhomes và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) chiếm 78% tổng nợ vay.

Cụ thể, tổng nợ vay của Vinhomes ở mức 22.861 tỷ đồng, giảm 8% so với thời điểm đầu năm. Các chỉ số tài chính của Vinhomes khá lành mạnh với hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 22,99%, thấp hơn mức trung bình là 54,47%. Đặc biệt, tỷ lệ tiền và các khoản tương đương tiền trên nợ vay ngắn hạn ở mức 1,41 lần.

Đối với Novaland, tổng nợ vay tăng 5% so với thời điểm đầu năm lên 51.303 tỷ đồng và là DN có nợ vay lớn nhất trong các DN được khảo sát. Hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên tới 128%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của ngành. Ngoài Novaland, Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia cũng có chỉ số này vượt mức 100%.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đo lường khoản nợ của DN so với giá trị tài sản ròng. Thông thường, nếu tỷ lệ này lớn hơn 100% có nghĩa là tài sản của DN được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, và ngược lại. Về nguyên tắc, tỷ lệ này càng nhỏ, DN càng ít gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.

Tồn kho tăng mạnh

Một vấn đề đáng quan tâm khác của các DN BĐS là hàng tồn kho. Sự biến động của hàng tồn kho phần nào cho biết tình trạng bán hàng của DN.

Tổng giá trị hàng tồn kho của 10 DN khảo sát tại thời điểm cuối quý II/2021 là 197.592 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, có những DN tăng mạnh giá trị hàng tồn kho như Novaland, tăng 18% (tương ứng 16.376 tỷ đồng) lên 103.241 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho sản phẩm đã hoàn thành tăng 2.837 tỷ đồng và tăng 13.541 tỷ đồng sản phẩm đang xây dựng.

Một DN khác có lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong thời gian qua là Công ty CP Đầu tư Nam Long, tăng 126% so với đầu năm, lên 13.746 tỷ đồng, chủ yếu dưới dạng sản phẩm dở dang của các dự án Izumi (Đồng Nai), Akari (TP.HCM)… Hàng tồn kho tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nam Long bị âm tới 676,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm dù Công ty lãi ròng 414 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Bất động sản Thế kỷ (Cen Land), hàng tồn kho 6 tháng đầu năm tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tăng 1.260 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh tại Cen Land 6 tháng đầu năm âm gần 911,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 dương hơn 261 tỷ đồng.

Số liệu trên mới chỉ phản ánh về thực trạng 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kể từ tháng 6 tới nay khiến nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội, tình hình có thể đã xấu hơn.

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước ngày 24/8 vừa qua, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, thiếu dòng tiền đang là vấn đề lớn nhất của DN trong ngành. Nhiều DN không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, “giữ chân” người lao động do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, giao dịch bị sụt giảm mạnh.

Chuyên đề