“Soi” hoạt động của các công ty đấu giá

(BĐT) - Đấu giá tài sản nhà nước hiện được thực hiện qua hai tổ chức là các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các địa phương và công ty đấu giá. Là định chế trung gian chắp nối người mua và người bán, hiện hoạt động của các công ty đấu giá bộc lộ không ít hạn chế.
Vụ việc đấu giá đất vàng số 3 Đặng Thái Thân gặp khá nhiều lùm xùm (Ảnh: Internet)
Vụ việc đấu giá đất vàng số 3 Đặng Thái Thân gặp khá nhiều lùm xùm (Ảnh: Internet)

Vi phạm về quy trình đấu giá

Vụ việc nổi cộm gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận và các công ty đấu giá là cuộc đấu giá tại số 3 Đặng Thái Thân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 25/12/2015, website Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính có đăng thông báo đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ nêu trên. Tổng diện tích khuôn viên là 739,50m2, tài sản trên có giá khởi điểm là hơn 95,448 tỷ đồng. Đây là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước do Văn phòng Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia hiện đang quản lý, sử dụng. Đơn vị đứng tên tổ chức đấu giá là Công ty CP Đấu giá Bắc Trung Nam. Tài sản này đã được thực hiện đấu giá hồi tháng 5/2015 nhưng sau đó chủ tài sản đã phải hủy hợp đồng do công ty đấu giá không thực hiện đúng một số quy trình đấu giá. Câu hỏi đặt ra là, khoản tiền của người mua đã đặt cọc trong cuộc đấu giá hồi tháng 5/2015 sẽ xử lý ra sao? Đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sự việc này?

Vi phạm về quy trình đấu giá chỉ là một trong rất nhiều hạn chế trong hoạt động của các công ty đấu giá khiến nhiều cuộc đấu giá không thành công đẩy thương vụ đấu giá vào các rắc rối pháp lý.

Lý giải một phần nguyên nhân thực trạng này, đại diện một doanh nghiệp đấu giá tại Hà Nội cho rằng, nếu như ở nhiều nước, thương thiệu một công ty đấu giá nằm ở chỗ khi nhận được đề nghị bán tài sản họ có thể đảm bảo tài sản được bán với giá bao nhiêu, thời gian bán thành công tài sản là bao lâu... thì ở Việt Nam, các công ty đấu giá không có chức năng định giá mà chủ yếu là hoàn thiện các quy trình thực hiện một thương vụ đấu giá. Theo quy định hiện hành, công tác định giá tài sản do một đơn vị chuyên ngành về định giá đứng ra thực hiện. Mặc dù không tham gia trực tiếp định giá tài sản nhưng những sai sót trong quy trình đấu giá diễn ra phổ biến làm ảnh hưởng đến giá đấu thành công của tài sản đem ra đấu giá. 

Thiếu minh bạch trong đấu giá

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, tổ chức và hoạt động của phần lớn doanh nghiệp bán đấu giá còn chưa chuyên nghiệp, có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém. Số doanh nghiệp thực chất hoạt động chuyên nghiệp về bán đấu giá tài sản trong tổng số doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản là rất ít (chỉ có khoảng 20/190 doanh nghiệp). Phần lớn doanh nghiệp còn lại đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản mang tính hình thức mà không thực hiện phiên đấu giá nào trên thực tế. Tình trạng quân xanh, quân đỏ, dìm giá diễn ra tại những cuộc đấu giá tài sản lớn, giàu tiềm năng.

Một bất cập nữa khiến nảy sinh kẽ hở trong đấu giá là không ít trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản hiện nay chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Cơ chế bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá còn yếu, còn có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành và pháp luật về bán đấu giá tài sản.  

Một trong những “chiêu trò” được các công ty đấu giá sử dụng phổ biến đó là việc hạn chế khách hàng tham gia đấu giá. Khắc phục tình trạng này cần có quy định cụ thể về thời gian bán và nhận hồ sơ tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, người không có quyền mua tài sản bán đấu giá là người không đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo quy định của pháp luật. Quy định rất chung chung này khiến các đơn vị tổ chức đấu giá không minh bạch loại thẳng các nhà đầu tư đủ điều kiện. Việc không bắt buộc công khai kết quả đấu giá (giá trúng đấu giá tài sản, số đơn vị tham gia đấu giá, người trúng đấu giá) cũng hạn chế sự giám sát, thiếu sự minh bạch trong các cuộc đấu giá.

Chuyên đề