Soi đường cho quốc dân đi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, văn hóa luôn là động lực và cũng là đích đến. Giá trị văn hóa được hình thành cùng sự hình thành và phát triển của dân tộc, đó là tình đoàn kết, lòng yêu nước, là ý chí quật cường, đức tính cần cù, chịu khó và giàu sức sáng tạo. 
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức lần thứ 3 sau 73 năm khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển đất nước. Ảnh: Quý Bắc
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức lần thứ 3 sau 73 năm khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển đất nước. Ảnh: Quý Bắc

Những giá trị ấy đã tạo nên sức mạnh đưa dân tộc ta đi qua những gian nan từ thời lập quốc rồi quá trình giữ nước, đồng thời là cơ sở để chúng ta bước qua những gian khổ hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hướng tới sự tiến bộ của con người trên mọi miền Tổ quốc.

Mạch nguồn phát triển

Nhìn lại lịch sử, có thể nói, dường như đất nước Việt Nam sinh ra cùng với lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhưng đầy máu và nước mắt của nhân dân, sự tận cùng khó khăn nhằm bảo vệ và thống nhất giang sơn. Chỉ tính trong hơn 2000 năm sau Công nguyên, dân tộc Việt Nam bước qua và giành thắng lợi trong 11 cuộc đại chiến tranh vệ quốc, đánh bại giặc ngoại xâm hung bạo nhất của mọi thời đại đến từ phương Bắc tới phương Tây vì Tổ quốc Việt Nam độc lập và thống nhất. Từ “Nam quốc sơn hà” (năm 1077) qua “Bình Ngô đại cáo” (năm 1428) tới “Tuyên ngôn độc lập” (năm 1945) đều khẳng định khí chất ấy, để chúng ta có thể dõng dạc cất lên những tuyên ngôn bất hủ. Cũng trong từng ấy năm, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt và trải qua gần 1.500 năm chiến tranh giữ nước, vì độc lập và thống nhất quốc gia. Quốc thể thăng trầm nhưng văn hóa cũng hình thành, hiện diện và khẳng định giá trị từ đó.

Sau khi giành được độc lập, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở". Người nhấn mạnh: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ". Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nền văn hóa không chỉ thuần túy quan tâm đến ngành hay lĩnh vực văn hóa riêng biệt mà phải chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, tâm lý, luân lý, xã hội. Trong "Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở những giai đoạn tiếp theo của lịch sử nước nhà.

Trong những thời điểm cam go nhất, khi giá trị văn hóa dân tộc được phát huy như truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái..., con người Việt Nam đã vượt qua được giới hạn của bản thân, định kiến của xã hội để thực hiện khát vọng phát triển. Sự chuyển mình từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ đổi mới đã cho thấy rất rõ điều đó. Trước đây, trong đời sống kinh tế, người dân chỉ mong muốn có cuộc sống ấm no; thì ngày nay, nhân dân Việt Nam lại mang trong mình khát vọng về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Việc phát huy giá trị văn hóa chính là cơ sở để con người Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã mở đầu công cuộc đổi mới. Đại hội VII tiếp tục chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhằm đưa đất nước đi vào thế ổn định và phát triển. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7/1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", cho thấy chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Nghị quyết khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội". Để cụ thể hóa việc phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII đã nhấn mạnh giải pháp xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa. Đặc biệt, Nghị quyết đã đề cập đến chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế.

Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò nguồn lực văn hóa đối với phát triển đã được đúc kết trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển".

Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2011) của Đảng đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Trong Nghị quyết này, Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng con người toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời bổ sung các nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Những nhiệm vụ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát huy nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng sự nghiệp đổi mới, nhận thức mới có tính đột phá của Đảng về nguồn lực văn hóa đối với phát triển được thể hiện ở việc khẳng định vai trò của văn hóa trong chính trị và trong kinh tế. Đảng nhấn mạnh: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Đây chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam chính là cách thức quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Trí

Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam chính là cách thức quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Trí

Động lực và đích đến của phát triển

Phát huy giá trị từ ngàn năm qua của văn hóa, đã được kiểm nghiệm từ chính thực tiễn của đất nước, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định giá trị của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó xác định văn hóa không chỉ là động lực mà cũng là đích hướng đến của phát triển.

Phát huy giá trị văn hóa là cơ sở để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam. Tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng xuất hiện thuật ngữ "sức mạnh mềm văn hóa". Sức mạnh văn hóa bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam được tích lũy qua hàng ngàn năm lịch sử. Ở góc độ kinh tế, giá trị văn hoá chính là nguồn lực cho sự phát triển. Ở đây, con người không chỉ là chủ thể sáng tạo ra văn hóa mà còn là đối tượng thụ hưởng các giá trị văn hóa nên khi giá trị văn hóa được phát huy, con người sẽ được nhân lên sức mạnh, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của bản thân. Phát huy giá trị văn hóa là cách thức khơi dậy những mặt tích cực của con người, làm cho mỗi người phát huy được ưu điểm, thế mạnh, từ đó có thêm điều kiện để thực hiện khát vọng phát triển của bản thân nói riêng và khát vọng phát triển đất nước nói chung.

Tiếp nối truyền thống văn hóa, trước những thời điểm có tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển của dân tộc, truyền thống văn hóa lại trở thành cơ sở và động lực để con người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng giá trị văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng hơn bao giờ hết. Đó là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội… Đây là cơ sở, động lực để Việt Nam từng bước vượt qua những giai đoạn cam go, dần trở lại cuộc sống bình thường mới với phương châm thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Hai năm qua, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát toàn cầu. Đó là cơ sở hiện thực để tiếp tục đưa ra mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, văn hóa còn đóng góp giá trị kinh tế vào ngân sách quốc gia. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng văn hóa trong thời gian tới để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển và bảo vệ đất nước; hướng tới mục tiêu văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Nghị quyết số 31/2021/QH15 Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần được chung tay thực hiện nhằm phát huy hơn nữa vai trò của văn hóa trong mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, khát vọng phát triển đất nước là cái đích cao đẹp mà cả dân tộc cần hướng tới. Trên con đường đến với cái đích ấy, tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng giá trị văn hóa với những truyền thống tốt đẹp được cha ông hun đúc từ đời này qua đời khác sẽ là động lực to lớn để “biến nguy thành cơ”, chuyển hóa những khó khăn thành cơ hội để cả dân tộc vươn lên giành thắng lợi trước những mục tiêu trong thời kỳ mới.

Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam chính là cách thức quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Một mùa Xuân mới lại về trên khắp mọi miền đất nước, mang theo niềm tin, hy vọng cùng quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh việc khai thác tối đa các cơ hội, thuận lợi, không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới, yếu tố con người, văn hóa truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc là giá trị cần được gìn giữ, phát huy, đồng thời cũng là mục tiêu hướng tới nhằm góp phần phát triển bền vững trên con đường hội nhập.

Chuyên đề