Sóc Trăng kỳ vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Môi trường đầu tư cải thiện qua từng ngày, sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, nhiều hạ tầng giao thông có tính chiến lược đang và chuẩn bị được xây dựng, tỉnh Sóc Trăng đang dần trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, hứa hẹn trở thành điểm đến với nhiều cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Sóc Trăng có tiềm năng phát triển năng lượng sạch rất lớn
Sóc Trăng có tiềm năng phát triển năng lượng sạch rất lớn

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, với 3 vùng sinh thái, Sóc Trăng hội tụ điều kiện phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi mà trọng tâm vẫn là sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, nằm ở hạ lưu sông Mekong, tiếp giáp với biển Đông, lợi thế khác biệt này giúp Sóc Trăng có nền tảng cho phát triển kinh tế biển, với các ngành như cảng biển, logistics, du lịch biển. Đặc biệt, Sóc Trăng có tiềm năng phát triển năng lượng sạch rất lớn.

Trong thời gian tới, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ có bước phát triển đột phá với việc triển khai loạt dự án trọng điểm như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi, tuyến đường Đông - Tây (tỉnh Sóc Trăng)… Đặc biệt, Cảng nước sâu Trần Đề được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch với định hướng trở thành cảng biển đặc biệt, cửa ngõ vùng Tây Nam Bộ với năng lực tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100 ngàn tấn, tàu hàng rời 160 ngàn tấn. Sóc Trăng sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu bảo đảm liên kết vùng và kết nối với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại khu vực Trần Đề. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển là đô thị, công nghiệp, dịch vụ logistics, môi trường…

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ hình thành hành lang phát triển kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, trong đó, Sóc Trăng là một cực tăng trưởng quan trọng với trung tâm logistics cảng biển nước sâu Trần Đề. Khâu chuẩn bị đầu tư Dự án Cảng biển Trần Đề đang triển khai rất thuận lợi. Tỉnh cũng đang đề nghị nâng cấp Quốc lộ Nam sông Hậu (91B), trong khi cầu Đại Ngãi cũng được dự kiến khởi công vào tháng 9/2023.

“Với tiềm năng sẵn có cùng hệ thống hạ tầng hiện đại thành hình trong vài năm tới, chúng tôi hy vọng Sóc Trăng sẽ nhanh chóng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn”, ông Nghiệp nói và cho biết thêm, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Sóc Trăng đang tốt lên. Với mục tiêu “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư, nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đã được thực thi với cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp. Năm trước, Tỉnh đã thu hút trên 226.000 tỷ đồng vốn đăng ký, nâng số doanh nghiệp hoạt động hiện thời lên con số hơn 4.000 với tổng vốn 52.441 tỷ đồng. Tỉnh đã tiếp xúc với 160 lượt nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội và chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án, trong đó có 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, với tổng vốn đang ký là 2.434 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư đã góp phần đưa tốc độ tăng GRDP của Sóc Trăng năm 2022 đạt 7,71%, cao nhất trong 10 năm qua.

Tới đây, Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư theo 4 hành lang kinh tế. Bao gồm: hành lang kinh tế ven biển, trọng tâm là dịch vụ du lịch, kinh tế biển; hành lang kinh tế Bắc - Nam, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị bám tuyến Nam sông Hậu; hành lang kinh tế Đông - Tây, trọng tâm là nông nghiệp, công nghiệp chế biến; hành lang kinh tế trung tâm, trọng tâm là phát triển dịch vụ chất lượng cao và đô thị kết nối TP. Sóc Trăng với các địa bàn chiến lược. Sóc Trăng cũng xác định 5 trụ cột thu hút đầu tư gồm: dịch vụ logistics cảng biển, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 với mục tiêu thu hút 30 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng cho thấy, Tỉnh đang mời gọi đầu tư vào khoảng 90 dự án ở các lĩnh vực: hạ tầng khu, cụm công nghiệp (KCN); thương mai, du lịch; giao thông vận tải, nông nghiệp công nghệ cao; đô thị; năng lượng sạch…

Theo đó, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là các dự án: KCN Mỹ Thanh, quy mô 217 ha; KCN Đại Ngãi, quy mô 200 ha, KCN Trần Đề, quy mô 160 ha; Khu du lịch biển, sinh thái, quy mô 307 ha tại thị xã Vĩnh Châu; Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó, quy mô 230 ha (huyện Trần Đề); Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển, quy mô 250 ha (huyện Cù Lao Dung); Cảng Đại Ngãi, quy mô 12,75 ha; Cảng nước sâu Trần Đề; Điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp, quy mô 662,88 ha (huyện Thạnh Trị); Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 786,45 ha (tại Phân trường Phú Lợi); Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 314,25 ha (tại Phân trường Mỹ Phước); Nhà máy Điện gió số 9, quy mô 3.800 ha (huyện Trần Đề)…

“Môi trường đầu tư thuận lợi, sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, hạ tầng giao thông chiến lược được xây dựng, chúng tôi kỳ vọng tỉnh Sóc Trăng sẽ có sự đột phá mạnh mẽ về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế”, ông Lâm Hoàng Nghiệp chia sẻ.

Chuyên đề