Số lượng doanh nghiệp giải thể không bất thường

(BĐT) - Số doanh nghiệp (DN) giải thể quý I/2016 lên tới hơn 22 nghìn, đang làm dấy lên lo ngại rằng sức khỏe DN Việt đang yếu, nền kinh tế đang khó khăn. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, so sánh số DN rút lui khỏi thị trường với số DN đăng ký thành lập mới ở thời điểm đầu năm không phản ánh thực chất sức khỏe của thị trường và DN. 

Phân tích đúng con số

Trả lời báo chí, TS. Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (QLĐKKD) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý I/2016 có 2.919 DN giải thể, 8.026 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 12.018 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Cũng trong quý I/2016, đã có 9.376 DN trước đây tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Như vậy, chỉ có 14.973 DN thực sự rút lui khỏi thị trường.

Trên thực tế, nhiều DN được thành lập để kinh doanh với tính chất thời vụ, cung cấp các dịch vụ, mặt hàng tiêu dùng phục vụ trong dịp Tết Âm lịch. Sau Tết, những DN này tạm ngừng hoạt động để chuyển hướng kinh doanh hoặc chờ vụ tiếp theo. Cũng trong quý I vừa qua, một bộ phận DN ngừng kinh doanh hoặc giải thể vào thời điểm bắt đầu năm tài chính mới (1/1) để tránh kê khai, thực hiện các nghĩa vụ cho năm tài chính tiếp theo. Do vậy, trong quý I, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động thường cao và số lượng DN thành lập mới thường thấp hơn so với các thời điểm khác. Như vậy, so sánh số DN rút lui khỏi thị trường với số DN đăng ký thành lập mới ở thời điểm đầu năm không thể đưa ra kết luận về thị trường rủi ro hay bất ổn.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Bộ KH&ĐT, quý I/2016 ghi nhận sự gia tăng tương đối lớn của số DN thành lập mới và số vốn đăng ký, với 23.767 DN thành lập mới và 186.013 tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 24,8% về số DN và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong quý I/2016 đạt 7,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2015 và 2014 đã tăng lần lượt là 34,5% và 46%. Những con số này cho thấy doanh nghiệp vẫn đang phát triển, chứ không phải đang “chết dần” như một số bình luận.

Quy luật đào thải

Lãnh đạo Cục QLĐKKD cho rằng, sự phát triển của DN cũng phải tuân theo quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Những DN không đủ sức cạnh tranh thì bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Ở một góc độ nào đó, giải thể hay phá sản DN cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm môi trường kinh doanh sôi động hơn và là cơ sở cho một sự phát triển bền vững hơn. Những DN thực sự có chất lượng được sàng lọc lại đã không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất, mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động. Cụ thể, trong quý I/2016 có 7.100 lượt DN đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 357.222 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại diện Cục QLĐKKD cho biết, thủ tục tạm ngừng kinh doanh quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 đã đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây và quá trình hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN trong thời gian qua đã từng bước cập nhật đầy đủ, chính xác hơn về số liệu DN giải thể, ngừng hoạt động, cũng là nguyên nhân khiến số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh ghi nhận được tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục QLĐKKD cũng dẫn ra số liệu từ một số nước trên thế giới để chứng minh con số DN giải thể tại Việt Nam trong quý I năm nay không hề “bất thường”. Ví dụ, tại Anh, năm 2012, nước này có 270 nghìn DN thành lập mới và 255 nghìn DN rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ DN còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%. Tại Mỹ, tỷ lệ tồn tại sau 5 năm hoạt động là dưới 50%. Số liệu thống kê của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy tốc độ gia tăng số lượng DN thành lập mới và DN giải thể ở mức tương đương nhau.    

Chuyên đề