Một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tài trợ cho các dự án xanh chiếm gần 10% tổng dư nợ. Ảnh: Lê Tiên |
Nơi tài chính và môi trường gặp gỡ
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để góp sức thực thi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, cuối tháng 7/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược nhằm tăng tỷ trọng và hoạt động tín dụng xanh, cũng như tăng cường quản trị rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trong giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống cho các lĩnh vực xanh tại Việt Nam tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô dư nợ tính đến tháng 6/2023 đạt gần 528.300 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (45%) và nông nghiệp xanh (31%).
Hiện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng tài trợ lớn nhất cho các dự án xanh. Tính đến 30/6/2023, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho 1.776 dự án, với 1.447 khách hàng, dư nợ đạt 2,81 tỷ USD, chiếm 4,1% tổng dư nợ tại BIDV.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đang dẫn đầu về tỷ trọng dư nợ tài trợ cho các dự án xanh. Sau 5 năm ưu tiên cấp tín dụng xanh, lĩnh vực này hiện chiếm 8 - 10% tổng dư nợ của Ngân hàng, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn ngành (4,2%). Tổng quy mô vốn MBBank đã giải ngân cho các dự án xanh đạt hơn 2 tỷ USD, tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, dự án chuyển đổi như đầu tư xe điện, cho vay chuyển đổi công nghệ… MBBank đặt mục tiêu nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.
Việc tài trợ các dự án xanh giúp MBBank kết nối và hợp tác sâu rộng với các ngân hàng quốc tế uy tín như ING, LBBW, Commerzbank…; kết nối với một số quỹ đầu tư/bảo hiểm lớn trên thế giới như Euler Hermes, EKF…, qua đó nâng cao vị thế của MBBank trên thương trường.
Một ngân hàng khác cũng có tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chiếm gần 10% tổng dư nợ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Từ năm 2018 đến nay, dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%. Lãnh đạo SHB cho biết, một số dự án tiêu biểu về tín dụng xanh SHB đã triển khai là: Dự án Lưới điện thông minh - hiệu quả trong truyền tải điện (giai đoạn 1) trị giá 65 triệu EUR, Dự án Lưới điện hiệu quả tại các thành phố nhỏ và vừa (giai đoạn 1 và 2) trị giá 350 triệu EUR do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)…
Là ngân hàng phát triển mạnh tín dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp xanh, năng lượng sạch, tín dụng xanh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) hiện đã đến với khoảng 43.000 khách hàng. Agribank cho biết, giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng lên đến 350%/năm, sau đó bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... Nửa đầu năm 2023, dư nợ tín dụng xanh đã bằng cả năm 2022 (khoảng 12.000 tỷ đồng).
Bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng nội địa, HSBC Việt Nam đã cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2030, nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Việt Nam đang soạn thảo quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh. Đây là một bước đi đúng hướng để tạo sự minh bạch cho thị trường, hỗ trợ các tổ chức tín dụng rút ngắn khoảng cách kỹ thuật trong tài trợ các dự án phát triển bền vững.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam cho biết, Ngân hàng đạt được nhiều tiến bộ trong việc hiện thực hóa cam kết này. HSBC Việt Nam nhận thấy nhu cầu ngày càng gia tăng từ phía khách hàng cho quá trình triển khai ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Nhu cầu này xuất hiện ở tất cả các phân khúc khách hàng bất kể quy mô hay ngành nghề hoạt động.
“Việt Nam đang soạn thảo quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh. Đây là một bước đi đúng hướng để tạo sự minh bạch cho thị trường, hỗ trợ các tổ chức tín dụng rút ngắn khoảng cách kỹ thuật trong tài trợ các dự án phát triển bền vững. Chúng tôi rất mong quy định này sớm được ban hành, cùng với việc chỉ định các tổ chức uy tín cung cấp các chứng chỉ xanh dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với các mục tiêu giảm phát thải”, ông Ahmed Yeganeh nhấn mạnh.
Khơi thông nguồn vốn xanh
Chưa có quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành, lĩnh vực xanh hiện là vướng mắc lớn nhất đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Do đó, MBBank đề xuất NHNN xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các TCTD.
MBBank cho biết thêm, nguồn lực tài chính cho tín dụng xanh của các TCTD phần lớn dựa vào nguồn vốn huy động dân cư, còn các nguồn tài trợ quốc tế như Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) của Chính phủ Thụy Sĩ, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… rất hạn chế, điều kiện tiếp cận/tiêu chuẩn giải ngân từ nguồn vốn quốc tế là khắt khe. MBBank đề xuất NHNN, các bộ, ban ngành hỗ trợ ngân hàng và chủ đầu tư tiếp cận các nguồn vốn cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế.
Với BIDV, thách thức chính là các dự án xanh luôn đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời hạn vay dài, lãi suất hợp lý, trong khi nguồn vốn huy động từ dân cư chủ yếu là ngắn hạn. Ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc BIDV đề xuất NHNN xem xét việc tái cấp vốn dựa trên danh mục tín dụng xanh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, nên có cơ chế ưu đãi hoặc tạo điều kiện cho các TCTD như giảm hệ số rủi ro đối với khoản vay tài trợ cho dự án xanh, hoặc xem xét có nên tính tín dụng cho các dự án xanh vào giới hạn tín dụng hàng năm của các ngân hàng hay không.
Tại VPBank, nhờ tiên phong xây dựng khung tài chính xanh tại thị trường Việt Nam phù hợp với các khuôn khổ và tiêu chuẩn quốc tế, từ năm 2020, VPBank liên tục huy động thành công các khoản vay xanh từ IFC, DEG, Proparco và tiếp tục mở rộng quy mô khoản vay từ DFC và các tổ chức tài chính phát triển châu Âu khác (EDFIs), đưa tổng nguồn vốn xanh huy động lên đến gần 1 tỷ USD đến cuối năm nay. Nguồn vốn xanh trung, dài hạn từ quốc tế đã giúp VPBank bổ sung thanh khoản và tạo đà tăng trưởng nhanh chóng danh mục tín dụng xanh trong thời gian qua.
Bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng giao dịch, Khối thị trường tài chính VPBank chia sẻ, cách đây 7 năm, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức như IFC, ADB, JICA… trong việc xây dựng các khung thẩm định môi trường xã hội cho tất cả các khoản tín dụng, VPBank đã có những chính sách và chiến lược phát triển danh mục về tài trợ xanh. Hiện VPBank áp dụng quy chuẩn của quốc tế về tài trợ xanh và có sự hỗ trợ chặt chẽ của IFC trong toàn bộ quá trình thẩm định tín dụng. Đây là cơ sở để VPBank mở rộng huy động vốn quốc tế dựa trên dự án xanh.
Trong thời gian tới, VPBank sẽ mở rộng tiếp cận các xu hướng tài chính bền vững mới như khoản vay tài chính liên kết bền vững (sustainable-linked loan), khoản vay tài chính xanh chuyển tiếp (green transition loan). Ngoài công cụ nợ truyền thống thông qua các khoản vay, VPBank cũng sẽ tiếp cận các công cụ tài chính mới như phát hành trái phiếu (trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, trái phiếu bảo vệ đại dương bền vững - Blue bond), các sản phẩm phái sinh bền vững (ESG derivative), thị trường tín chỉ carbon, bảo hiểm rủi ro khí hậu…
Xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống phân loại tài chính bền vững
Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam
Việt Nam cần sớm hoàn thiện và đưa vào áp dụng hệ thống phân loại tài chính bền vững (taxonomy) giúp nhận diện các hoạt động và đầu tư đạt tiêu chuẩn dựa trên những mục tiêu về môi trường và bền vững nói chung.
Tổ chức Climate Bonds Initiatives từng có một số khuyến nghị dành cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhằm phát triển hệ thống phân loại hỗ trợ các ưu tiên bền vững và môi trường của mỗi nước. Cụ thể, ủng hộ phát triển hệ thống phân loại xanh và chuyển dịch dựa trên cơ sở khoa học, chi tiết, bao trùm toàn diện và vững vàng hết mức có thể, qua đó có thể tạo điều kiện cho chính phủ triển khai các mục tiêu khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris; Tăng dần mức độ tham vọng qua thời gian, các tiêu chí phân loại nên được điều chỉnh phù hợp với mức độ tham vọng của mỗi ngành; Đảm bảo tương thích với các hệ thống phân loại trong khu vực cũng như trên thế giới nhằm giảm rủi ro phân mảnh cho thị trường và thiết lập ngôn ngữ chung, hài hòa, dựa trên cơ sở khoa học cho hệ thống phân loại.
Climate Bonds Initiatives cũng khuyến khích đầu tư chuyển dịch và đầu tư xanh thông qua áp dụng hệ thống phân loại nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho phát hành trái phiếu gắn với chủ đề và các công cụ mới khác. Đồng thời thiết lập khung pháp lý và hướng dẫn cho việc lập kế hoạch chuyển dịch của tổ chức/công bố thông tin chiến lược cho phép các tổ chức tài chính theo dõi tình hình các tổ chức phát triển, giám sát tiến độ giảm phát thải cũng như rủi ro phù hợp với mục tiêu đã thống nhất.
Cơ chế đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh
Bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính VPBank
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ngoài việc hoàn thiện Quy chuẩn cụ thể về dự án xanh, rất cần có các cơ chế mang tính đồng bộ. Đầu tiên, thách thức lớn nhất là đầu tư xanh làm tăng mạnh chi phí đầu tư của khách hàng, trong khi Chính phủ chưa có chính sách bắt buộc chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp. Thực tế VPBank và một số ngân hàng trong nước đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt nguồn vốn, áp dụng cơ chế ưu đãi về lãi suất cũng như các hỗ trợ về kỹ thuật để khuyến khích các khách hàng chuyển dịch lĩnh vực xanh, nhưng vẫn rất khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng. Nếu chỉ có sự nỗ lực một chiều từ phía ngân hàng thì tín dụng xanh sẽ khó tăng trưởng một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, về phía hỗ trợ cho các ngân hàng, Chính phủ cũng cần có cơ chế khuyến khích phát triển dự án xanh cụ thể và thiết thực, ví dụ ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh với hạn mức lớn hơn hoặc nằm ngoài định mức tăng trưởng tín dụng trần, có các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất từ chính phủ hoặc bảo hiểm rủi ro riêng cho tín dụng xanh để hỗ trợ cho các ngân hàng.
Ngoài các chính sách về tín dụng, các chính sách hỗ trợ cho từng ngành hoặc lĩnh vực xanh cụ thể cũng cần được Chính phủ ban hành và triển khai một cách lâu dài và ổn định. Ví dụ trong thời gian qua, vấn đề chính sách về giá và đảm bảo đầu ra không ổn định của dự án điện gió, điện mặt trời đã ảnh hưởng không nhỏ tới rủi ro cho vay cho các ngân hàng.
Sớm có các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
Đẩy mạnh tín dụng xanh là một trong các cấu phần nhằm thực thi chiến lược ESG. Chúng tôi xác định MB sẽ tập trung phát triển bền vững và là một ngân hàng có trách nhiệm với xã hội, do đó việc phát triển tín dụng xanh không chỉ là hiệu quả như thế nào, mà còn là đóng góp được giá trị nào cho xã hội.
Tín dụng xanh tại MB được xác định là các dự án cho vay ngành năng lượng tái tạo, cho vay để các doanh nghiệp chuyển đổi để tiết kiệm năng lượng hoặc hạn chế xả thải ra môi trường, cho vay các dự án xử lý môi trường... Trong thời gian qua, MB đã tài trợ nhiều dự án tín dụng xanh, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo như: điện gió; điện mặt trời, các dự án chuyển đổi như cho vay đầu tư xe điện, cho vay chuyển đổi công nghệ... Tổng quy mô đã giải ngân đạt khoảng 50.000 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, thực tế chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đầu tiên, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, đối với mảng năng lượng tái tạo, chính sách vĩ mô của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất, cơ chế giá xây dựng chưa phù hợp. Điều này dẫn đến việc thẩm định và đánh giá hiệu quả đối với các dự án mới là khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, cơ quan quản lý nhanh chóng ban hành cơ chế chính sách rõ ràng, thống nhất để tháo gỡ cho các nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng trong việc thực thi cấp vốn xanh ra nền kinh tế.