Siêu cổ đông và câu chuyện xung đột lợi ích

(BĐT) - Xung đột giữa các nhóm cổ đông lớn trong ban lãnh đạo một doanh nghiệp từ lâu không còn là vấn đề quá mới mẻ. Không ít lần, những xung đột này đã làm “nóng” các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ).
Với tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp, SCIC có quyền đưa ra đề nghị về nhân sự, phương án kinh doanh…
Với tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp, SCIC có quyền đưa ra đề nghị về nhân sự, phương án kinh doanh…

Từ câu chuyện Traphaco

Ngày 30/3/2016, một lần nữa cổ đông lại chứng kiến những xung đột dai dẳng giữa những cổ đông lớn ngay trong HĐQT Công ty, khi Traphaco tiến hành ĐHCĐ.

Một thời gian không ngắn trước khi ĐHCĐ diễn ra, thông tin về việc SCIC có ý định “hất cẳng” bà Vũ Thị Thuận khỏi HĐQT Traphaco xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Sự chú ý dành cho ĐHCĐ lần này của Traphaco vì vậy cũng tăng lên rõ rệt. Có tới trên 97% cổ đông và đại diện cổ đông đã tham dự cuộc họp ĐHCĐ – một tỷ lệ cao hiếm thấy. Kết quả bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới nhanh chóng được thông qua. Không như những lời đồn đoán trước đó, bà Vũ Thị Thuận vững chãi vào HĐQT với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất. Bà là ứng viên do Vietnam Holding Limited – tổ chức nắm 10,43% cổ phần đề cử.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa bà Thuận hay là Vietnam Holding Limited và SCIC có vẻ chưa dừng lại khi chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Traphaco đến nay vẫn chưa có chủ. Ở HĐQT nhiệm kỳ cũ, bà Thuận là đại diện cá nhân bà và một số cán bộ, công nhân viên Công ty giữ vị trí Chủ tịch HĐQT; ông Trần Túc Mã, đại diện SCIC giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT.

Điều cần thiết bây giờ là bên cạnh những quy định về quyền lợi của SCIC, nên đưa ra các nghĩa vụ đối với tổ chức này trong quá trình đầu tư vào các doanh nghiệp. Phải đồng thời sử dụng cả “cây gậy” và “củ cà rốt” trong việc quản lý vốn nhà nước tại SCIC.
Hiện vẫn chưa rõ 2 vị trí nói trên có thay đổi hay không ở nhiệm kỳ mới lần này. Theo nguyên tắc, việc bầu cử Chủ tịch HĐQT sẽ do HĐQT quyết định với mỗi thành viên có một phiếu bầu như nhau. SCIC với 3/7 thành viên HĐQT không đủ chiếm đa số, vì vậy không còn tiếng nói quyết định trong lần đề cử này.

SCIC với tỷ lệ sở hữu trên 35% đã tiếp tục đề nghị giữ lại một số điều khoản trong điều lệ Công ty. Việc giữ lại các điều khoản đó sẽ giúp tổ chức này có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề quan trọng của Công ty như tổ chức ĐHCĐ, lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị trên 50% giá trị tổng tài sản… Việc giữ lại các điều khoản này cuối cùng cũng buộc phải được thông qua. Đơn giản, nếu không thông qua, SCIC sẽ dùng quyền phủ quyết, ĐHCĐ sẽ thất bại và phải tổ chức lại, đến khi nào tổ chức này đạt được mục đích! 

SCIC có quyền?

Luật Doanh nghiệp quy định, với công ty cổ phần, cổ đông hoặc đại diện nhóm cổ đông sở hữu từ 35% cổ phần có quyền biểu quyết trở lên có quyền phủ quyết bất kỳ quyết định nào của ĐHCĐ. Đã nhiều cuộc họp ĐHCĐ thường niên thất bại với những “ông chủ” khó tính này, khi họ dùng quyền phủ quyết của mình, hoặc đơn giản hơn là không tham dự ĐHCĐ khiến tỷ lệ cổ đông có mặt không đạt con số tối thiểu để thực hiện.

Một chuyên gia (giấu tên) cho biết, với tỷ lệ sở hữu của SCIC tại các doanh nghiệp, SCIC có quyền đưa ra các đề nghị về nhân sự, về điều lệ, về phương án kinh doanh… Miễn là không trái luật. Còn những yêu cầu đó có… quá đáng hay không, thì phụ thuộc vào năng lực của cán bộ SCIC. Tất nhiên, đó lại là một câu chuyện khác. Chính vì vậy, điều cần thiết bây giờ là bên cạnh những quy định về quyền lợi của SCIC, nên đưa ra các nghĩa vụ đối với tổ chức này trong quá trình đầu tư vào các doanh nghiệp. Phải đồng thời sử dụng cả “cây gậy” và “củ cà rốt” trong việc quản lý vốn nhà nước tại SCIC.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết, tổ chức này luôn muốn cùng các cổ đông khác trao đổi, hài hòa quyền lợi của các cổ đông và đạt thống nhất, kể cả về nhân sự. Nếu không đạt được sự đồng thuận, không còn con đường nào khác thì phải thực thi theo pháp luật, kể cả việc thoái vốn. Tất nhiên, một khi chưa bán, vẫn còn là cổ đông, SCIC phải làm hết trách nhiệm đối với quyền lợi của Nhà nước mà tổ chức này đại diện.

Về vấn đề năng lực cũng như đóng góp của SCIC trong các doanh nghiệp mà tổ chức này nắm giữ cổ phần, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, không phải đến mùa ĐHCĐ câu chuyện này mới được đặt ra. Mục đích tối thượng của SCIC là đảm bảo quyền lợi của cổ đông Nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Một vấn đề hiện nay SCIC đang khiến dư luận hiểu nhầm, đó là đóng góp của họ trong các doanh nghiệp là khiêm tốn, trong khi người đại diện lại nhận được mức thù lao khủng. Cũng trong cuộc trao đổi lần này, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, thù lao người đại diện SCIC kiêm nhiệm đều được công khai và đưa về quỹ chung của tổ chức (không ghi nhận vào doanh thu). Năm 2014, quỹ này nhận 2,5 tỷ đồng thù lao của các đại diện. Con số này tăng lên mức 3,2 tỷ đồng vào năm 2015. 

Một khi bài toán về nghĩa vụ của SCIC đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chưa được làm rõ với những hình thức thưởng/phạt phân minh, những xung đột giữa tổ chức này với các cổ đông còn lại là điều khó tránh khỏi.

Chuyên đề