Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Traphaco đặt mục tiêu tăng tổng doanh thu ít nhất 12%/năm, tăng lợi nhuận 15%/năm. Ảnh: Hồng Minh |
Trước khi ĐHCĐ chính thức diễn ra, đã xuất hiện dư luận cho rằng SCIC, tổ chức hiện nắm giữ 35,67% cổ phần Traphaco, muốn “hất cẳng” Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Thuận, người gắn bó với Traphaco hàng chục năm qua, khỏi HĐQT nhiệm kỳ mới.
Sốt sắng bầu cử
Trong danh sách ứng cử HĐQT nhiệm kỳ mới, có 4 đại diện đến từ SCIC, 2 đại diện từ Vietnam Azalea Fund (thuộc Mekong Capital, nắm 24,99% cổ phần) và 2 đại diện đến từ Vietnam Holding Limited (nắm giữ 10,43% cổ phần). Bà Vũ Thị Thuận là 1 trong 2 đại diện cho Vietnam Holding Limited.
Không giống các cuộc họp ĐHCĐ thường niên khác, sau phần báo cáo kết quả kinh doanh và đọc tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2016, Ban tổ chức quyết định bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới mà chưa thực hiện phần hỏi đáp. Nếu danh sách ứng viên BKS chỉ có 3 người, bằng với số người được lựa chọn, thì danh sách ứng viên HĐQT có 8 người, đồng nghĩa với việc sẽ có 1 ứng viên bị loại.
Kết quả, 7 thành viên HĐQT đã được lựa chọn, trong đó, bà Vũ Thị Thuận có số phiếu cao nhất, đạt 98,65%. Bà Nguyễn Thị Loan, đại diện SCIC, bị loại với tỷ lệ bầu thấp nhất, đạt 66,36%. Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ mới có 3 đại diện đến từ SCIC là ông Trần Túc Mã, ông Nguyễn Hồng Hiển và ông Nguyễn Anh Tuấn. Mekong Capital và Vietnam Holding mỗi Quỹ có 2 đại diện; cụ thể là các ông/bà: ông Chad Ryan Ovel và ông Christopher E. Freund (Mekong Capital), ông Marcus John Pitt và bà Vũ Thị Thuận (Vietnam Holding).
Tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm
Căn cứ báo cáo tài chính công ty mẹ, trong giai đoạn từ 2010 - 2015, tăng trưởng lợi nhuận của Traphaco luôn đạt mức trên 20% mỗi năm. Ngoại trừ năm 2014 lợi nhuận giảm nhẹ 3% do áp dụng chính sách tăng trưởng mới, tạo tiền đề cho sức bật lợi nhuận năm 2015 (đạt 181 tỷ đồng LNST, tăng 36% so với năm 2014).
Tính đến hết quý 4/2015, thị phần của Traphaco chiếm 1% tổng thị trường dược phẩm Việt Nam, nằm trong Top 20 công ty có doanh thu dẫn đầu thị trường. Trong nhóm hàng OTC, Công ty chiếm 2,9% thị phần và xếp thứ 3 về doanh thu. Traphaco có 2 sản phẩm (Cebraton và Boganic) nằm trong Top 20 dược phẩm OTC có doanh thu đứng đầu thị trường.
Năm 2016, Traphaco đặt kế hoạch tổng doanh thu bán hàng 2.100 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó hàng sản xuất và độc quyền phân phối ước đạt 1.500 tỷ đồng doanh thu. LNST của cổ đông công ty mẹ ước đạt 210 tỷ đồng. Mục tiêu được đặt ra cho nhiệm kỳ 2016 - 2020 là tăng trưởng tổng doanh thu ít nhất 12%/năm, tăng trưởng lợi nhuận 15%/năm. Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2016 là 30% bằng tiền mặt, tương đương mức chi năm 2015 (đã tạm ứng 20%).
Năm 2016, Traphaco dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 246,8 tỷ đồng hiện tại lên mức 345,5 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm gần 10 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 40%. Việc phát hành này, về cơ bản không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông, trong đó có SCIC, Mekong Capital và Vietnam Holding.
Sửa đổi điều lệ - ván bài tiếp theo của SCIC?
Tại cuộc họp, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, đồng thời là đại diện SCIC đề nghị giữ nguyên một số điều/khoản của Điều lệ Công ty, gồm Khoản 1, 2 Điều 19, Khoản 1 Điều 21 và Khoản 8 Điều 22.
Với tỷ lệ nắm giữ trên 40% (cả cổ phần cá nhân sở hữu và đại diện), SCIC có quyền phủ quyết nếu ĐHCĐ thông qua. Chính vì vậy, trong việc sửa đổi điều lệ, có thể nói phần thắng “tạm” nghiêng về SCIC khi ĐHCĐ quyết định giữ nguyên các điều khoản nói trên của Điều lệ Công ty.
ĐHCĐ thường niên 2016 của Traphaco kết thúc khá muộn sau hơn 6 tiếng căng thẳng. Tuy nhiên, câu chuyện về những xung đột trong nội bộ HĐQT, giữa các cổ đông lớn của Traphaco… có lẽ cũng chưa thể khép lại.
Việc sửa đổi điều lệ được đệ trình, căn cứ vào Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó có một số thay đổi như sau so với điều lệ cũ:
- Cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có đủ ít nhất 51% đại diện cổ đông tham dự (trước kia yêu cầu tối thiểu 65%).
- Cuộc họp ĐHCĐ lần 2 (nếu lần 1 thất bại) được tiến hành khi có đủ ít nhất 33% đại diện cổ đông tham dự (trước kia yêu cầu tối thiểu 51%).
- Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên phải cần ít nhất 65% cổ đông thông qua (trước kia yêu cầu dự án đầu tư/bán tài sản có giá trị từ 50% trở lên phải cần ít nhất 75% cổ đông thông qua).
- Quyết định được thông qua theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản cần ít nhất 65% cổ đông tán thành (trước yêu cần 75% cổ đông tán thành).
Với những thay đổi như trên, rõ ràng, nếu được thông qua, quyền lực của SCIC sẽ bị giảm đi đáng kể. Việc giữ lại các điều khoản nói trên được phía SCIC khẳng định căn cứ vào Thông tư 121/2012/TT-BTC - và hoàn toàn đúng luật khi Luật Doanh nghiệp 2014 không đưa ra một tỷ lệ chính xác, mà “để ngỏ” các tỷ lệ là “thấp nhất” 51% hay 75%...