Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm ở các dự án yếu kém ngành công thương

(BĐT) - Thông tin về việc khắc phục 12 dự án yếu kém ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc khắc phục, xử lý những tồn tại tại 12 dự án này được Chính phủ làm rất nghiêm túc, đầy đủ; không có câu chuyện vì đã khắc phục được những dự án này để xóa nhẹ đi câu chuyện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây nên thất thoát vốn nhà nước.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trước kỳ họp thứ 6, Bộ Công Thương đã gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương. Trong đó bộ này tiếp tục báo cáo Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay có tất cả 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/2018 là 20.943 tỷ đồng.

Báo cáo về tình hình hoạt động của 12 dự án, Bộ Công Thương cho biết trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi. Các nhà máy có lãi là Nhà máy phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Nhà máy thép Việt - Trung.

4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn là Nhà máy đạm Hà Bắc (vẫn lỗ 203 tỷ đồng), Nhà máy phân bón DAP số 2 - Lào Cai (lỗ 111 tỷ đồng), Nhà máy đạm Ninh Bình (lỗ 702 tỷ đồng); Công ty đóng tàu Dung Quất (DQS - lỗ 62 tỷ đồng).

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại. 2 dự án còn lại đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại là Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang thì Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho. Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, các cổ đông ngoài ngành không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Tại phiên thảo luận tổ diễn ra sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Hòa Bình (đoàn Quảng Ngãi) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc khắc phục những yếu kém và tái cơ cấu lại 12 dự án này. Những nỗ lực này được Quốc hội và nhân dân ghi nhận.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tư pháp, đại biểu này vẫn còn băn khoăn và đặt vấn đề, nếu có những dự án sau này kết luận thanh tra, kiểm tra hoặc cơ quan điều tra phát hiện ra được hiện tượng chuyển giá, làm thất thoát tài sản nhà nước thì sẽ xử lý như thế nào? “Chúng ta nhìn nhận những nỗ lực của Chính phủ như là một điểm sáng nhưng không thể thay thế được việc phải chịu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước, gây ra thua lỗ này được” – đại biểu Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm, mục tiêu cuối cùng trong việc khắc phục 12 dự án yếu kém này là phải tìm ra được nguyên nhân, cách làm từ trước đến nay để khắc phục, không để xảy ra tình trạng này nữa. Trong đề án của Chính phủ khi khắc phục 12 dự án yếu kém được thực hiện rất toàn diện, xem xét các nội dung và yêu cầu đặt ra cũng rất toàn diện, trong đó có sự tham gia của cả cơ quan Công an, Kiểm toán nhà nước… chứ không chỉ riêng Thanh tra Chính phủ. Theo đó, có xem xét cả khía cạnh trách nhiệm về pháp luật (kể cả hình sự) của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra thua lỗ, có những xử lý thỏa đáng theo pháp luật.

Đơn cử, dự án Đạm Hà Bắc đã có cơ quan công an vào điều tra những trách nhiệm trong quản lý thực hiện đầu tư dự án; dự án Đạm Ninh Bình có xem xét trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng EPC với chủ đầu tư Trung Quốc…

“Việc xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương được thực hiện rất nghiêm túc đầy đủ, không có câu chuyện vì khắc phục những dự án này rồi xóa nhẹ câu chuyện trách nhiệm kia đi” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thông tin thêm, quan điểm trong việc giải quyết 12 dự án yếu kém là phải xử lý nghiêm nhưng làm sao để tháo gỡ những khó khăn. Khi phát hiện sai phạm của tổ chức, cá nhân thì cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ được giao thanh tra trực tiếp 5 dự án, trong đó 3 dự án nhiên liệu sinh học đã có kiến nghị, có xử lý trách nhiệm kinh tế, hình sự. Còn Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên và Dự án Đạm Hà Bắc thì TTCP hiện đã dự thảo xong kết luận thanh tra, đang trình xin ý kiến của Chính phủ. Cuối năm 2018 có thể sẽ công bố kết luận thanh tra này.

Chuyên đề