Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Hiện Dự thảo Đề án đã được Bộ hoàn thành và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ nhằm phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực đến các bên tham gia mô hình kinh tế này ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, đã có một số loại hình kinh tế chia sẻ xuất hiện, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ: vận tải trực tuyến, dịch vụ chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng. Ngoài ra, nhiều dịch vụ kinh tế chia sẻ khác cũng đã được hình thành trên thực tế như chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực…
Đến nay, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến kinh tế chia sẻ; thiếu các chính sách bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể. Đồng thời, thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng; thiếu các cơ chế chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng của các bên trong kinh tế chia sẻ như: chính sách thuế, quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới, quản lý lao động, việc làm, an sinh xã hội và quy định về an toàn thông tin.