Sẽ có làn sóng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU đầu tư vào Việt Nam

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam và EU cùng hợp tác. Đây sẽ là sự mở đường cho một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là thông tin được ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đưa ra tại buổi lễ Công bố Sách trắng 2016: Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị vừa được phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).

Với việc giảm thuế suất xuất khẩu rất mạnh mẽ khi EVFTA có hiệu lực, Đại sứ EU tại Việt Nam cho rằng sẽ có nhiều sản phẩm của Việt Nam đến EU trong thời gian tới. Theo đó, có tới 70% các trao đổi thương mại thông thường sẽ được miễn thuế nhập khẩu và tiến tới gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và châu Âu, sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ gần như hoàn toàn các dòng thuế.

Kích hoạt cho một làn sóng đầu tư

Tuy nhiên, hiệp định cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về các vấn đề liên quan đến mua sắm công, sở hữu trí tuệ, thuận lợi hóa thương mại… và mở ra cơ sở mới cho mua sắm công, cho phép các nhà đầu tư EU xây dựng cơ sở hạ tầng công và cung cấp các tiện ích công tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Đại sứ EU tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều nhất trong ASEAN, song có tới hơn 70% hàng xuất khẩu đến từ các công ty FDI và hoạt động doanh nghiệp trong nước không hiệu quả do năng xuất lao động giảm. Do đó, việc giải quyết thách thức quan trọng liên quan đến kinh tế Việt Nam sẽ là vấn đề được đặt ra khi thực thi Hiệp định.

“Tôi tin rằng EVFTA sẽ kích hoạt cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của châu Âu vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu và giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điều này phải được hỗ trợ bằng chính lĩnh vực tư nhân Việt Nam, tăng cường cung cấp cho các công ty châu Âu tại Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài” – ông Bruno nói.

Cũng với Hiệp định này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ có nhiều hơn rượu vang, xe ô tô của châu Âu ở Việt Nam. Ngược lại, các sản phẩm dệt may, da giày hay sản phẩm nông sản cũng sẽ hiện diện nhiều hơn tại các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, EVFTA cũng mở ra kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối để Việt Nam có thể vươn lên, phát triển và bắt nhịp trong thời gian tới. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn và yêu cầu mà EU đặt ra cho Việt Nam cũng không phải là nhỏ, nên việc đáp ứng được các yêu cầu này là thách thức lớn.

“Chúng tôi hiểu rằng con đường hợp tác của chúng ta không chỉ có hoa hồng vì FTA Việt Nam – EU là hiệp định tương đối khó tính. Cộng đồng doanh nghiệp muốn lộ trình giảm thuế đối với việc thâm nhập vào thị trườn EU tương đối ngắn hơn, nhằm tạo cơ hội hợp tác tốt hơn. Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật rất cao, cao hơn các nước và khu vực khác. Nên đây là thác thức rất lớn khi phần lớn doanh nghiệp chúng tôi có quy mô nhỏ và mới bắt đầu phát triển” - Ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Cần có chính sách kết nối SME Việt Nam - EU

Do đó, để có thể thúc đẩy kinh tế Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng được làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp của EU trong thời gian tới, Chủ tịch VCCI bày tỏ kỳ vọng hai bên sẽ có những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển.

Theo đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Châu Âu đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối bằng nhiều cách thức khác nhau. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chuẩn mực, chất lượng, tính minh bạch thông qua học hỏi kinh nghiệm, sự chia sẻ, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Do đó, với những khuyến nghị trong Sách trắng 2016, các chuyên gia bày tỏ tin tưởng rằng cùng với việc thực thi EVFTA, thì những cam kết hành động trong những năm tiếp theo, sẽ giải quyết các vấn đề trên. Theo đó, các nhà lãnh đạo hai bên đã thông qua Lộ trình Dự kiến chung và một gói hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo có được năng lực, sự chuẩn bị thích hợp từ phía Việt Nam để thực thi Hiệp định có hiệu quả.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư