SCIC thoái vốn, Tổng công ty Thăng Long có gì hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 21/6/2022, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ bán đấu giá lô 10,5 triệu cổ phần, tương ứng 25% vốn điều lệ Tổng công ty Thăng Long - CTCP với giá khởi điểm 194,565 tỷ đồng, tương đương 18.530 đồng/cổ phần. Ngoài việc được biết đến là nhà thầu chuyên thi công các công trình giao thông, Tổng công ty Thăng Long đang quản lý một số khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Tổng công ty Thăng Long đang thi công nhiều công trình giao thông lớn. Ảnh: Tiên Giang
Tổng công ty Thăng Long đang thi công nhiều công trình giao thông lớn. Ảnh: Tiên Giang

Tổng công ty Thăng Long tiền thân là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông vận tải được thành lập vào năm 1973 và cổ phần hóa vào cuối tháng 3/2014. Với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, ngoài SCIC sở hữu 25,05%, các cổ đông lớn của doanh nghiệp này còn có Công ty CP Tasco với tỷ lệ sở hữu 38,61%, Ngân hàng SHB và Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm giữ 14,32%.

Tổng công ty Thăng Long được biết đến là nhà thầu thi công nhiều công trình cầu, đường và hạ tầng giao thông. Trong vai trò thành viên liên danh, Công ty đang thi công nhiều công trình lớn trúng thầu từ năm 2021 như: Gói thầu số 12 Thi công xây dựng phần đường cao tốc, cầu Đài Van, cầu Đài Xuyên 1, cầu cạn Km 83+200, cầu Tiên Yên 2 và hệ thống điện chiếu sáng (bao gồm công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công bảo đảm giao thông thủy cầu Tiên Yên 1) trị giá 2.180 tỷ đồng; Gói thầu XL01 Thi công xây dựng đoạn Km134+000 - Km154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối Quốc lộ 1 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) quy mô 1.687 tỷ đồng; Gói thầu số 20 Thi công xây dựng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng từ Đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình (Km0 - Km19+645) quy mô 717,865 tỷ đồng.

Hoạt động xây dựng mang lại nguồn thu chủ yếu cho Tổng công ty Thăng Long. Giai đoạn 2019 - 2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế bình quân của Công ty lần lượt đạt 762 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu của Công ty tăng vọt lên 1.264 tỷ đồng. Tuy vậy, do áp lực chi phí tài chính, lợi nhuận trước thuế của Công ty ở mức 15,2 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh khả quan của Công ty tiếp tục duy trì trong quý I/2022 với doanh thu tăng trưởng 15,3% đạt 207,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 3,2 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản của Công ty đạt 2.231 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 72%, tương ứng 1.398 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng công ty Thăng Long được lựa chọn thực hiện 3 gói thầu xây lắp trong lĩnh vực giao thông với tổng giá trúng thầu hơn 930 tỷ đồng. Đó là, Gói thầu số 11 Thi công xây dựng công trình đoạn từ Km0 đến Km8+310, huyện Thanh Miện thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Đông - Tây, tỉnh Hải Dương với giá trúng thầu 304,5 tỷ đồng; Gói thầu XL-04 Thi công xây dựng cầu Bến Mới thuộc Dự án Cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1) với giá trúng thầu 360 tỷ đồng (liên danh với Ilsung Construction Co., Ltd); Gói thầu số 05 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu Như Nguyệt, tỉnh Bắc Giang (272 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Công ty đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất đắc địa tại Hà Nội. Có thể kể đến khu đất 11.400 m2 tại đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm đang được Công ty sử dụng làm văn phòng và nhà xưởng. Đây là đất Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.

Cũng tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Tổng công ty Thăng Long đang sử dụng 4.040 m2 đất tại đường Tân Xuân; 1.127,8 m2 đất tại đường Phạm Văn Đồng làm văn phòng và nhà xưởng. Đây đều là đất Nhà nước cho thuê trả tiền thuê hàng năm. Bên cạnh đó, Công ty còn quản lý khu đất 9.656,26 m2 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Chuyên đề