Sau khi nhận khoán, lãnh đạo có thể mua lại xe công đã dùng

Theo dự thảo quy định mới đang được Bộ Tài chính đề xuất, ô tô dôi dư có thể được xử lý bằng cách bán chỉ định cho một số chức danh trong trường hợp chức danh đang sử dụng xe có đề xuất mua lại.
Đội ngũ lái xe sẽ được bố trí, sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về lao động khi xử lý xe dôi dư
Đội ngũ lái xe sẽ được bố trí, sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về lao động khi xử lý xe dôi dư

Việc xử lý xe dôi dư và sắp xếp đội ngũ lái xe sau khi thực hiện khoán xe công là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Tại Tờ trình dự thảo Quyết định bổ sung, thay thế một số quy định tại Quyết định 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ vừa được Bộ Tài chính công bố, cơ quan này cho biết, có 3 hướng xử lý xe ô tô dôi dư:

Một là, bán chỉ định cho một số chức danh trong trường hợp chức danh đang sử dụng xe có đề xuất mua lại.

Hai là, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc thay thế xe cũ.

Ba là, bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và pháp luật về đấu giá.

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe theo quy định, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn xác định số lượng xe được trang bị, số lượng xe dôi dư gửi báo cáo về Bộ Tài chính chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Các cơ quan này cũng được yêu cầu hoàn thành việc xử lý xe dôi dư theo quy định và gửi kết quả về Bộ Tài chính chậm nhất 12 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Về phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe, theo dự thảo, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, tập đoàn có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động. 

Chuyên đề