Sắp ban hành “công cụ” cắt giảm giấy phép con

(BĐT) - Dự kiến trong tuần này, Dự thảo Nghị định về kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành. 
Hàng nghìn điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại đang tạo nhiều rào cản hành chính, làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi
Hàng nghìn điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại đang tạo nhiều rào cản hành chính, làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi

Đây được đánh giá là một trong những động thái quyết liệt của Chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Cải cách quy định về điều kiện kinh doanh

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc cải cách quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) là nhiệm vụ quan trọng hiện nay nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Kết quả từ các cuộc khảo sát thực tế cho thấy, số lượng các ĐKKD hiện vẫn còn rất lớn, với hàng nghìn điều kiện, đang tạo rào cản hành chính, làm giảm tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam.

Thời gian qua, các Nghị quyết của Chính phủ đều nhấn mạnh việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các ĐKKD không cần thiết, không phù hợp; chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Dành sự quan tâm đặc biệt cho việc cải cách quy định về ĐKKD, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng Nghị định về kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Nghị định được coi sẽ là “cỗ máy” cắt xén các quy định về ĐKKD không cần thiết, đang cản trở hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, để trở thành công cụ hữu hiệu trong cải cách quy định về ĐKKD, Nghị định cần phải đảm bảo các yêu cầu căn bản. Thứ nhất, phải xây dựng được tiêu chí thế nào là một quy định về ĐKKD tốt. Bộ tiêu chí này phải đủ chi tiết để các bên có thể dễ dàng áp dụng và đánh giá được, xác định được ngay đâu là ĐKKD không cần thiết. Thứ hai, cần áp dụng thêm quy trình soạn thảo, thẩm tra, thẩm định dự thảo các quy định về ĐKKD chặt chẽ hơn so với soạn thảo văn bản thông thường. Cuối cùng, cần xem xét áp dụng một số nguyên tắc kiểm soát ban hành mới ĐKKD, như nguyên tắc “một đổi một” – tức là nếu đưa ra một điều kiện mới thì phải bãi bỏ một điều kiện hiện hành.

Theo Dự thảo, Nghị định của Chính phủ về kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gồm 5 chương, 31 điều. Mục tiêu của Nghị định là nhằm bãi bỏ các quy định về ĐKKD bất hợp lý và nâng cao chất lượng quy định mới ban hành vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là các quy định về việc rà soát, soạn thảo, ban hành, bổ sung, sửa đổi, đánh giá và thực hiện quy định về các loại ĐKKD với 3 nhóm đối tượng áp dụng chính. 

Về nguyên tắc rà soát, sửa đổi và soạn thảo quy định về ĐKKD, Dự thảo Nghị định nhấn mạnh một số nguyên tắc chính như: tôn trọng quyền tự do kinh doanh và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp; không được soạn thảo và ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế quyền tự do kinh doanh, sáng tạo và hạn chế cạnh tranh… 

Minh bạch về thủ tục, quy trình

Nhằm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch khi sửa đổi, bổ sung các quy định về ĐKKD, Dự thảo Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện công tác này. Trong đó, Dự thảo Nghị định nhấn mạnh yêu cầu công khai hóa quy định về ĐKKD. Cụ thể là, các nội dung của quy định về giấy phép kinh doanh phải được công bố đầy đủ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; điều kiện đầu tư kinh doanh được công bố theo quy định của Nghị định này. Đồng thời, quy định về ĐKKD phải được thông báo đến hiệp hội doanh nghiệp có liên quan để thông báo cho các doanh nghiệp biết trước ngày có hiệu lực thi hành…

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trình tự, thủ tục công khai hóa quy định về ĐKKD với các bước cụ thể. Đầu tiên là Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tập hợp, cập nhật và công khai quy định về ĐKKD để công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày các luật, pháp lệnh, nghị định về ĐKKD được ban hành, bộ, cơ quan ngang bộ gửi văn bản đến Bộ KH&ĐT đề nghị cập nhật điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp... Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ thì Bộ KH&ĐT cập nhật điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc cập nhật nội dung thay đổi về điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh việc công khai quy định về ĐKKD, Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định định kỳ 2 năm, cơ quan đã chủ trì soạn thảo và tổ chức thi hành quy định về ĐKKD phải tiến hành đánh giá, xem xét lại tính cần thiết, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả và tính rõ ràng của các quy định về ĐKKD có liên quan. Sau quá trình đánh giá phải công khai kết quả theo quy định.

Chuyên đề