Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh đang có những ý kiến khác nhau xung quanh việc sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, đặc biệt là điều kiện kinh doanh với ngành ô tô.
Vì lợi ích quốc gia
Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất xem xét bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dư luận đặt câu hỏi, quy định này sẽ tác động như thế nào đối với những nhóm lợi ích khác nhau như: lợi ích của nhà nước, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng. Trả lời câu hỏi này, ông Đông nhấn mạnh: “Pháp luật không thiết kế theo đòi hỏi của bất kỳ nhóm lợi ích nào”. Ông Đông cho hay, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau thì khi chính sách ban hành có thể có mức độ tác động khác nhau đến những nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng Chính phủ thì phải căn cứ từ lợi ích tổng thể của nền kinh tế, kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu, trong đó có một mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xất linh kiện, lắp ráp ô tô… Hơn nữa, “Theo quy định của Luật Đầu tư, việc điều chỉnh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hoạt động diễn ra thường xuyên phù hợp tình hình diễn biến kinh tế. Do vậy, tùy từng giai đoạn kinh tế phù hợp mà những ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể đưa ra, bỏ vào Danh mục là điều bình thường. Việc đưa ngành nghề này vào Danh mục nhằm đưa ra cơ sở pháp lý quản lý, không tạo rào cản cho doanh nghiệp”, ông Đông nói.
Ông Đông chắc chắn: “Việc ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô được đưa vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp cho người tiêu dùng được sử dụng ô tô với giá cả và chất lượng hợp lý hơn hiện nay. Không có chuyện độc quyền hay lợi ích nhóm”.
Theo ông Đông, hiện có 46 nhà nhập khẩu ủy quyền chính hãng (bao gồm nhiều thương hiệu khác nhau như Audi, BMW, Renault, Ford, Mercedes, Toyota, Honda... cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong số đó, một số nhà nhập khẩu thuần túy chỉ hoạt động nhập khẩu (Audi, BMW, Renault,...), số còn lại lấy hoạt động sản xuất trong nước làm chủ đạo, kết hợp thêm hoạt động nhập khẩu để gia tăng sự lựa chọn sản phẩm cho khách hàng. Thống kê cũng cho biết, trong số 245 nghìn xe ô tô được cung ứng ra thị trường Việt Nam năm 2015, thì có 173 nghìn xe được VAMA sản xuất (chiếm hơn 70%) và đang nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Dư địa lớn phát triển công nghiệp ô tô
“Thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô là lợi ích của cả quốc gia chứ không phải là lợi ích cục bộ địa phương. Nhà máy sản xuất có thể được đặt tại một số địa phương nhưng các doanh nghiệp này không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho lao động tại địa phương đó mà còn thu hút lao động từ các nơi khác đến”, Báo cáo đánh giá.
Tuy nhiên, báo chí đặt câu hỏi, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã từng có một thời gian dài được tạo điều kiện phát triển, nhưng đến nay vẫn khá èo uột, vậy khi đưa ngành nghề này vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liệu có thể khắc phục được hạn chế này? Ông Đông thừa nhận, đúng là ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển được như kỳ vọng. Nhưng việc ngành ô tô nội địa có phát triển được hay không thì cũng không thể giải quyết chỉ bằng chính sách đưa ngành nghề này vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Mức độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; trong đó yếu tố quan trọng nhất là thị trường. Căn cứ vào quy mô, nhu cầu thị trường, nhà đầu tư mới quyết định có đầu tư hay không. Trong khi quy mô thị trường còn nhỏ bé mà cho quá nhiều doanh nghiệp tham gia, thị phần càng bị chia sẻ, doanh nghiệp cũng sẽ không dám đầu tư lớn.
Đối với nội dung Dự án Luật giữ nguyên “kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Danh mục này, Báo cáo đánh giá tác động chỉ ra, do là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành phải tuân thủ quy định của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, khi xe xảy ra sự cố, khiếm khuyết người tiêu dùng cần được đảm bảo quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục nhưng hiện nay quy định hiện hành của pháp luật chỉ mới nêu lên nguyên tắc chung về nghĩa vụ mà chưa có cơ chế thực tế để thực hiện quyền này của người tiêu dùng cũng như yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhập khẩu nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ này.