Sẵn sàng can thiệp tỷ giá, ổn định thị trường tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước biến động mạnh trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để góp phần ổn định tỷ giá USD/VND. Giới chuyên gia cho rằng, đây là biện pháp mạnh mẽ và kịp thời để ổn định thị trường tiền tệ, song cần hài hòa về liều lượng, thời điểm để hỗ trợ kinh tế phục hồi và ổn định vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm với giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD. Ảnh: Minh Dũng
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm với giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD. Ảnh: Minh Dũng

Ngày 19/4, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 24.260 đồng/USD, tăng 29 đồng so với phiên giao dịch trước đó. Với biên độ 5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng là 23.047 - 25.473 đồng. Cùng thời điểm, các ngân hàng nâng giá bán USD lên mức kịch trần 25.473 đồng. Trên thị trường quốc tế, đồng USD vẫn duy trì ở mức cao, chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt ở mức 106,3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Về biến động tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng và dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu nhập khẩu dự báo tăng cao khi tỷ lệ tồn kho quý I đã giảm xuống còn 68,7%, áp lực dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp, chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD thấp. NHNN nhận định, tỷ giá tăng tạo áp lực lên lạm phát, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất và làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với dòng vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

“Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4,9%, đây là mức tăng đáng quan tâm. Trong 3 tháng đầu năm, NHNN luôn luôn theo sát và dùng các công cụ, biện pháp, trong đó có việc điều hành tỷ giá trung tâm để điều phối phù hợp theo tình hình chung, nhằm bảo đảm cân đối, hài hòa cung cầu. Quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt, đó là tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới. Chúng tôi cũng sẵn sàng can thiệp nếu như tỷ giá tiếp tục có những tác động bất lợi, cả kể là can thiệp ngay từ ngày hôm nay", ông Tú nói.

Từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá USD/VND tăng nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ lớn. Ảnh: Lê Tiên

Từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá USD/VND tăng nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ lớn. Ảnh: Lê Tiên

Về can thiệp tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, từ tháng 3/2023, NHNN đã áp dụng nhiều giải pháp để kịp thời trung hòa lượng tiền VND và USD trên thị trường, trong đó có giải pháp liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền, giúp tỷ giá USD/VND biến động trong ngưỡng có kiểm soát nhằm giảm tác động bất lợi với lạm phát. Từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ lớn, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao trong lĩnh vực xăng dầu, sắt thép. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã tăng mua ngoại tệ kỳ hạn từ đầu năm, cũng đẩy nhu cầu thanh toán ngoại tệ kỳ hạn đến thời điểm hiện nay.

“Để tiếp tục kiểm soát biến động tỷ giá trên thị trường, ngày 19/4, NHNN đã thực hiện biện pháp mạnh mẽ hơn là bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm với giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD. Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã xuống dưới mức bán ra của NHNN", lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết. Trong thời gian tới, ông Quang khẳng định, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, triển khai các biện pháp ổn định thị trường nhằm bảo đảm nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.

Về động thái bán ngoại tệ của NHNN, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là một trong những biện pháp kịp thời được NHNN thực hiện nhằm ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, cùng với động thái bán ngoại tệ, công tác điều hành tỷ giá thời gian tới cần giải quyết những vấn đề phức tạp. Đó là lãi suất đồng USD vẫn ở mức cao trong khi lãi suất VND phải ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nếu thực hiện nhập khẩu vàng sẽ tiêu tốn một lượng ngoại tệ, làm giảm dự trữ ngoại hối. “Trong bối cảnh hiện nay, việc cân đong liều lượng, thời điểm thực hiện các giải pháp điều hành chính sách đòi hỏi sự tính toán thật khéo léo, hài hòa giữa các mục tiêu”, ông Thành nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, động thái bán ngoại tệ của NHNN có tác động tích cực về mặt tâm lý và nhanh chóng giúp thị trường ổn định. Tuy nhiên, theo ông Huân, từ nay đến cuối năm, áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao có thể vẫn còn, nên việc bán ngoại tệ can thiệp sẽ phải cân nhắc thận trọng với nguồn dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, vấn đề hiện nay là lãi suất của VND và USD hầu như không chênh lệch nên có thể thúc đẩy tâm lý rút vốn của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là yếu tố tiếp tục gây áp lực với tỷ giá.

Trong khi đó, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khiến giải pháp giảm lãi suất sẽ tiếp tục được tính đến. Theo ông Huân, bài toán cần tìm lời giải là ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng cao.

Chuyên đề