Cả vườn hoa bị san phẳng, luống hoa còn sót lại nhờ nằm khuất dưới một tấm biển - Ảnh: Thúy Hằng |
Sáng 1.1, người dân đi ngang qua hồ Gươm không khỏi sửng sốt, bàng hoàng, bức xúc khi chứng kiến nhiều luống hoa tươi đẹp mới được trồng tại đây đã bị giẫm nát, có chỗ còn bị “san phẳng”, "nghiền" nát bét.
Nếu không có vài bông hoa còn sót lại, người ta nghĩ đây chỉ là luống đất vừa được nện chặt bằng các dụng cụ chuyên nghiệp chứ không phải là vườn hoa điểm tô cho thành phố.
Chúng tôi không tin vào mắt mình nữa. Lúc 21 giờ tôi đi một vòng hồ Gươm và thấy các luống hoa còn nguyên vẹn, thế mà 6 giờ sáng nay, khi tôi đến làm việc thường nhật, nhiều chỗ hoa đã biến mất, chỉ còn những bãi đất trống trơn
Chị Hà, nhân viên của Công ty Thảo viên xanh Udic
Những ô đất trồng hoa bị tàn phá nhiều nhất tập trung trước khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (nơi diễn ra lễ hội đếm ngược chào năm mới đêm 31.12). Rải rác bên hồ Gươm, các luống hoa gần cầu Thê Húc, cửa hàng kem Thủy Tạ cũng bị giẫm đạp, “nghiền” nát, nhiều chậu hoa thì bị “bốc hơi”, để lại những khoảng trống hoác.
“Chúng tôi không tin vào mắt mình nữa. Lúc 21 giờ tôi đi một vòng hồ Gươm và thấy các luống hoa còn nguyên vẹn, thế mà 6 giờ sáng nay, khi tôi đến làm việc thường nhật, nhiều chỗ hoa đã biến mất, chỉ còn những bãi đất trống trơn”, chị Hà, nhân viên của Công ty Thảo viên xanh Udic thở dài.
Bất lực nhìn hoa bị giẫm nát
Chia sẻ với PV Thanh Niên chiều qua, đại diện Công ty Thảo viên xanh Udic (Hà Nội) - đơn vị chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc các vườn hoa bên hồ Gươm, bức xúc: “Toàn bộ số hoa trồng để đón chào năm mới 2016 đã được hoàn thiện ngày 18.12.2015. Từ thời điểm đó đến đêm giao thừa, ngày nào nhân viên của chúng tôi cũng chăm chút, kiểm tra cẩn thận. Đêm giao thừa có nhân viên bảo vệ đứng nhắc nhở người dân không xâm phạm các luống hoa nhưng không thể nhắc và cản xuể bởi hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy, rồi giẫm lên các luống hoa. Tình cảnh này không phải bây giờ mới xảy ra, năm nào chúng tôi cũng bị tổn thất sau những dịp lễ lớn, tập trung đông người, hoa bị tàn phá, bị mất trộm”.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết, trước đây, người Việt xưa sống gần tự nhiên. Những chuẩn về văn minh như kiểu chỗ này trồng cỏ, chỗ kia là hè gạch phải tới khi người Pháp vào mới có. “Thậm chí còn có chuyện vua kêu ca triều thần vào nhổ quết trầu trong sân rồng nhiều quá nên phải cấm. Có nghĩa là người Việt xưa sống gần tự nhiên, những việc đi lại hay chuẩn về sinh hoạt theo tôi là hình thành rất ít và rất chậm”, ông Ân nói.
Theo Công ty Thảo viên xanh Udic, tổng số có 7 ô đất trồng hoa (diện tích mỗi ô từ 10 - 300 m2) đã bị tàn phá sau đêm giao thừa, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.“Nhưng cái mất mát lớn nhất không phải là tiền mà là rất buồn vì ý thức của người dân” - một đại diện Công ty Thảo viên xanh Udic nói và cho biết thêm: “Công ty đang huy động nhân lực để cải tạo vườn hoa bị tàn phá, trồng lại các luống hoa bên hồ Gươm để làm đẹp thành phố những ngày cuối năm. Rất mong mọi người cùng có ý thức bảo vệ cảnh quan chung để thành phố tươi đẹp hơn”.
“Năm nào cũng có chuyện”
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, cho rằng giẫm đạp, phá hoa là một “căn bệnh” kinh niên. Nếu có năm, hoa ở hồ Gươm bị bẻ, thì năm khác lại bị bê... đem về nhà. Năm nay thì giẫm nát hết hoa.
“Ở đây có hai khía cạnh phải nói. Một là ý thức cộng đồng. Họ có thể rất đẹp trong nhà nhưng sẵn sàng ném rác ra đường. Hai là, thói quen luôn luôn thích đi tắt. Nếu đường đi là hai cạnh góc vuông thì dứt khoát là họ đi tắt qua cạnh huyền. Kể cả lội ruộng giẫm hoa thì họ cũng đi như thế! Nên có mấy khóm hoa mà năm nào cũng có chuyện”, ông Thịnh nói.
Theo ông, cần “giải đông” cho hồ Gươm vào các dịp lễ, nhất là giao thừa. “Quá đông người đổ về, không thể kiểm soát nổi. Sẽ có hội chứng đám đông, người này làm được thì người kia cũng làm được. Nếu “giải đông” cho hồ Gươm, giãn các sân khấu, các điểm bắn pháo hoa ra thành nhiều nơi thì sẽ đỡ cảnh giẫm đạp hoa”, ông Thịnh nói.
GS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa cũng cho rằng, đây là câu chuyện văn hóa ứng xử của người miền Bắc chứ không phải riêng ở người Hà Nội. “Cái đấy là lỗi tiện thể của người Bắc mình. Người trong Nam có ý thức đỡ hơn vì họ quen với lối sống phương Tây rồi. Trên các quốc lộ để tiện đường đi, người ta phá cả hàng rào. Đấy là chung cho xã hội miền Bắc, không thể đổ tội cho người Hà Nội được”, GS Lý nói.
“Đừng nên bắn pháo hoa xung quanh hồ Gươm nữa vì ở đây chật chội người ta phải chen lấn. Trong khi có những diện tích mặt nước bắn pháo hoa rất tiện. Chẳng hạn, phần bên trên sông Hồng, như đoạn giữa của cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy, hay đoạn giữa cầu Long Biên và cầu Chương Dương. Ở những phần như thế bắn cao thì người dân có thể xem được từ nhiều điểm. Trong khi tập trung ở hồ Gươm thì giữ trật tự vô cùng mệt”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đề xuất.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết đêm giao thừa vừa qua có tới 10 sân khấu biểu diễn trong thành phố. Riêng sân khấu ở khu vực hồ Gươm là tập trung đông nhất.