Sách Việt Nam lên sàn để… cháy

Tân binh sàn UPCoM là VNB của Công ty TNHH một thành viên Sách Việt Nam (Savina) vừa lên sàn giao dịch đã có tín hiệu “bốc hỏa”.
“Mồi lửa” để Savina bốc cháy trên sàn chứng khoán có lẽ không phải là sách mà chính là bất động sản
“Mồi lửa” để Savina bốc cháy trên sàn chứng khoán có lẽ không phải là sách mà chính là bất động sản

Trong phiên giao dịch chào sàn diễn ra cuối tuần qua, cổ phiếu VNB đã tăng hết biên độ (40%) lên mức 18.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau 1 phiên giao dịch, túi tiền của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNB đã phình to tới gần gấp rưỡi, nhưng có vẻ như điều này chưa đạt kỳ vọng của giới đầu tư, bởi số cổ phiếu bán ra rất nhỏ giọt.

Nhìn lại lịch sử, Savina là doanh nghiệp mới bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 3. Tại phiên IPO này, Savina đã bán 16,7 triệu cổ phần, giá đấu thành công bình quân là 13.072 đồng/cổ phần, tổng giá trị cổ phần bán được đạt gần 218,7 tỷ đồng, cao hơn 43 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Như vậy, đại gia ngành văn hóa phẩm này tỏ ra khá nhanh nhẹn trong việc đưa cổ phiếu lên giao dịch.

Savina là doanh nghiệp có hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in ấn và kinh doanh sách báo, văn hóa phẩm. Công ty có mối quan hệ hợp tác, kinh doanh với các nhà cung cấp trong và ngoài nước chuyên cung ứng sách xuất bản tạo đầu ra cho công ty như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Cambridge, Nhà xuất bản Pearson Education, Nhà xuất bản Hueber Verlag Gmbh & Co., Công ty cổ phần Giáo dục Đại Trường Phát, Công ty TNHH Phương Bắc, Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt…

Ngành xuất bản - lĩnh vực kinh doanh nòng cốt của Savico - có dư địa khá lớn trong những năm tới. Dự báo, đến năm 2020, số lượng xuất bản phẩm có thể đạt tới 450 triệu bản (tương đương 5 bản/người năm) và đến năm 2030 có thể đạt 700 triệu bản (tương đương 7 bản/người/năm). Dự kiến, đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm của Việt Nam có thể tăng khoảng 4,5 lần so với năm 2013.

Chia sẻ với các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty diễn ra hồi tháng 4/2016, ông Trần Quang Vinh, Tổng giám đốc Savina cho biết, một trong những mục tiêu dài hạn của Công ty là đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để tạo nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động ngành nghề chính là phát triển xuất bản phẩm. Công ty cũng có kế hoạch phát triển mạng lưới siêu thị sách Savina trên các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tuy nhiên, “mồi lửa” để Savina bốc cháy trên sàn chứng khoán có lẽ không phải là sách mà chính là bất động sản. Hiện tại, Savina đang thuê và quản lý 6 khu đất có vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội: số 44 - Tràng Tiền, 50A - Hàng Bài, 22A và 22B - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), số 2 - Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) với tổng diện tích lên tới 14.082 m2 đất làm trụ sở làm việc và cửa hàng kinh doanh.

Trong đó, dự án bất động sản đang được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng nhất là Dự án Savina Plaza trên khu đất rộng 4.600 m2 tại số 22A-B Hai Bà Trưng. Công năng dự án là siêu thị sách và văn hóa phẩm, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cao cấp cho thuê. Dự án này gồm 6 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng mức đầu tư dự kiến 820 tỷ đồng, diện tích xây dựng dự kiến lên tới 32.000 m2.

Điều đáng chú ý là Savina sẽ hoàn toàn không gặp điều gì bỡ ngỡ khi thực hiện Dự án Savina Plaza và các dự án bất động sản khác trong tương lai, bởi công ty này có sự hậu thuẫn của cổ đông lớn là đại gia số một ngành bất động sản - Tập đoàn Vingroup - với tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên tới hơn 65,3% vốn điều lệ.

Chuyên đề