Rủi ro khi dòng tiền ồ ạt vào chứng khoán

(BĐT) - Sau 10 năm ròng rã, chỉ số Vn-Index đã vượt mốc đỉnh lịch sử thiết lập năm 2008 (1.170 điểm). Chốt phiên giao dịch ngày 22/3/2018, chỉ số chứng khoán VnIndex đóng cửa ở mức 1.172,36 điểm. Sức tăng trưởng nóng của thị trường khiến không ít nhà đầu tư e ngại về tính bền vững và mức độ rủi ro ngày càng gia tăng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng nóng

Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC), tốc độ tăng giá cổ phiếu trong năm 2017 là 48%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết (khoảng 26%). Sự chênh lệch giữa mức tăng của giá cổ phiếu và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết phần nào cho thấy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2017 và đầu năm 2018 có tiềm ẩn rủi ro.

Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán các tháng đầu năm 2018 cũng mạnh hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2017. Theo thống kê của Báo Đấu thầu, tính từ đầu năm nay đến ngày 21/3, giá trị giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt 384.156 tỷ đồng, tăng 147,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị giao dịch 2 tháng đầu năm 2018 đạt 49.495 tỷ đồng, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2017.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường thuộc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thừa nhận, với bối cảnh hiện tại, thị trường đang đi hơi quá một chút so với những cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Khoa, thị trường cũng thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư. Các chỉ số kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá… vẫn đang được kiểm soát tốt. Thị trường tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2018 phần lớn nhờ cổ phiếu ngành ngân hàng và một số cổ phiếu có vốn hóa lớn lên sàn như PV Power, BSR… Vì vậy, sự tăng trưởng của thị trường là hợp lý, chứ chưa hoàn toàn là nguy cơ. 

Cần giám sát chặt cho vay chứng khoán

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, các tháng đầu năm 2018 mặc dù kinh tế tăng trưởng tốt, tỷ giá hối đoái được giữ ổn định, nhưng lạm phát có dấu hiệu tăng. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,25% trong ngày 21/3 cũng cho thấy có dấu hiệu rủi ro do yếu tố đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Tình trạng này có thể tạo ra bong bóng, gây nguy hiểm cho nhà đầu tư.

Đa số chuyên gia cho rằng, so với các kênh đầu tư khác, hiện tại, bất động sản và chứng khoán vẫn đang là những kênh đầu tư hấp dẫn. Do đó, nếu không kiểm soát chặt, tín dụng sẽ chảy mạnh vào hai thị trường này. Kiểm soát chặt tín dụng để dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh là việc cần làm ngay từ đầu năm.

Mới đây, trong một báo cáo, UBGSTC nhận định, quy mô cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán chưa được giám sát đầy đủ. Cơ quan này khuyển cáo: "Để đảm bảo cho thị trường cổ phiếu tăng trưởng bền vững, hạn chế những tác động từ bên ngoài và rủi ro nội tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán và cho vay ký quỹ chứng khoán".

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại hạn chế tập trung cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.

Đối với lĩnh vực vay tiêu dùng, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro phát sinh. Đặc biệt, các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Theo số liệu của UBGSTC, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng cao, khoảng 65% trong khi năm 2016 mức tăng là 50,2%.

Báo cáo tài chính năm 2017 của một số ngân hàng thương mại cũng cho thấy đóng góp lợi nhuận từ mảng cho vay tiêu dùng cũng khá cao.     

Chuyên đề