Đồ thị VN-Index. |
Các phiên đáo hạn phái sinh thị trường thường biến động rất mạnh. Cho đến ngày hôm qua, giá hợp đồng VN30F1M vẫn còn ở mức cao nhất kỳ, tức là tất cả những ai nắm giữ vị thế Long dài hạn đều có lãi. Điều này gần như đảm bảo cho một phiên đáo hạn tăng.
Thị trường cơ sở đã tăng điểm tích cực về chiều nhờ nhóm cổ phiếu quan trọng nhất là ngân hàng và thép đồng loạt phục hồi so với phiên sáng. Trước đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có phiên sáng giao dịch tưng bừng, nhiều mã còn tăng tốc ở phiên chiều, tạo nên làn sóng tăng cộng hưởng.
SSI – cổ phiếu dẫn dắt nhóm chứng khoán phiên này – đã đóng cửa ở mức kịch trần. Đây là phiên trần đầu tiên kể từ đầu tháng 4/2021. Cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều đổ tiền vào mua mạnh mẽ, đưa giá SSI chính thức đạt đỉnh cao lịch sử mới ở ngưỡng 38.500 đồng.
Từ khoảng 1h15 chiều nay SSI đã lên giá kịch trần. Cổ phiếu này sau đó được chặn mua lớn và chỉ còn thanh khoản một chiều, tức là người muốn thả lệnh vào dư mua có sẵn. Thanh khoản cả ngày của SSI cũng xác lập mức lịch sử với trên 28,1 triệu cổ phiếu, đạt giá trị khớp 1.062 tỷ đồng. Hôm nay là phiên hiếm hoi SSI lọt vào Top 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường.
Cổ phiếu chứng khoán hầu hết cũng tăng giá đến cuối phiên, dù không phải mã nào cũng duy trì được đà tăng cao nhất của phiên sáng. HCM đóng cửa tăng 4,37%, thực tế là đi lùi khoảng 1,3% so với đỉnh cao buổi sáng. VCI khá tệ, trả lại thị trường 3,4% và đóng cửa chỉ còn tăng 1,23% so với tham chiếu. VND tăng 3,97%, SHS tăng 5,73%, MBS tăng 6,52%, BVS tăng 6,07%... đều rất mạnh, nhưng không thể đóng cửa tại đỉnh của phiên.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhỏ hơn cũng có một phiên bùng nổ ấn tượng: AGR tăng 5,1%, APG tăng 1,9%, APS tăng 9,1%, ART tăng 9,1%, BSI tăng 9,4%, CTS tăng 6,7%, FTS tăng 6%, TVB tăng 3%, VDS tăng 5,8%, VIX tăng 5,9%.
Điểm đáng chú ý ở nhóm cổ phiếu chứng khoán là hiện tượng phân hóa rất rõ. Những cổ phiếu thuộc nhóm dẫn dắt hàng đầu thì đều có xu hướng tăng tương đối rõ, thậm chí một số vượt đỉnh lịch sử. Phần còn lại ở các mã nhỏ hơn lại đang trong một xu thế giảm khá sâu từ đỉnh đầu năm. Nhóm đang giảm được nâng đỡ chủ yếu về mặt tâm lý lan tỏa: Nếu cổ phiếu chứng khoán “vào sóng” thì rất có thể đà giảm sẽ chấm dứt, hoặc giai đoạn tạo nền đã kết thúc.
VN-Index đóng cửa hôm nay tăng 15,73 điểm tương đương 1,25%. VN30-Index tăng 23,21 điểm tương đương 1,66%. Đây là kết quả ngoạn mục vì cuối phiên sáng, VN-Index đang giảm 0,27% còn VN30-Index giảm 0,06%. Để có được sự ngoạn mục này thì nhóm cổ phiếu chứng khoán không thể làm nổi. Thực vậy, vốn hóa lớn nhất là SSI thì cũng chỉ đứng thứ 30 trong VN-Index. Mức tăng kịch trần hôm nay cũng không giúp SSI lọt vào Top 10 mã kéo chỉ số.
Cổ phiếu ngân hàng và một số blue-chips khác đảo chiều tăng trở lại trong phiên chiều là động lực mang tính quyết định. Phiên sáng ngân hàng nhiều mã điều chỉnh giảm hoặc tăng không đáng kể. Cổ phiếu thép cũng giảm. Các trụ như VIC, VHM, VNM không nổi bật. Tuy nhiên đến chiều thì tình hình thay đổi rất thuận lợi.
Nhóm ngân hàng tăng rực rỡ trở lại và đặc biệt là hiệu ứng kéo giá đợt ATC. Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh nên thường các mã quan trọng sẽ tăng/giảm rất mạnh đợt này. Hôm nay là một phiên tăng, VCB nhảy 5,21% so với tham chiếu, BID tăng 2,32%, CTG tăng 1,88%, STB tăng 3,16% là những cổ phiếu ngân hàng tiêu biểu được đẩy vọt lên. Những trụ khác được giật tăng là VIC tăng 2,33%, VHM tăng 1,59%, VNM tăng 0,57%, MWG tăng 5,86%, FPT tăng 5,18%...
Cú giật giá cuối ngày giúp VN-Index đóng cửa vượt qua đỉnh lịch sử, lên ngưỡng 1.278,22 điểm. Trong khi đó VN30-Index tiếp tục vươn lên đỉnh cao mới. Phiên này nhóm blue-chips VN30 tăng khá rộng, với 23 mã tăng/6 mã giảm, trong đó SSI trần. Tuy nhiên toàn sàn HSX lại là bức tranh khác, với 163 mã tăng/252 mã giảm, với 150 cổ phiếu giảm hơn 1%.
Thanh khoản phiên chiều khá đuối, với 9.374 tỷ đồng khớp lệnh tăng thêm ở cả hai sàn. Tuy nhiên phiên sáng thanh khoản tốt, nên tổng giá trị khớp cuối ngày đạt 23.611,6 tỷ đồng tăng 3,5% so với hôm qua. Mức giao dịch này đã tương đương với các phiên lịch sử đầu tháng 4 vừa qua.
Khối ngoại ghi nhận mức bán ròng 565,4 tỷ đồng sàn HSX, mua ròng 50 tỷ đồng sàn HNX. Như vậy riêng chiều, khối ngoại bán ròng thêm 187,8 tỷ đồng ở sàn HSX. KDH vẫn là mã bị xả nhiều nhất, khoảng 282,5 tỷ đồng. KDH thực chất chỉ bị bán ròng buổi sáng. Ngoài ra VPB, NVL, VIC, STB, VNM, MBB, HDB tiếp tục là các mã bị rút ròng đến cuối ngày vượt 30 tỷ đồng mỗi mã.