Rộng mở cơ hội tại các dự án PPP giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiềm năng và cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong thời gian tới được đánh giá là rất lớn. Tuy nhiên, để nhận diện, nắm bắt cơ hội đầu tư, cần những “cái bắt tay” hiệu quả của doanh nghiệp, nhà thầu và các đối tác khác.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thực hiện theo phương thức PPP dự kiến hoàn thành trước mốc 30/4/2024. Ảnh: Thiện Nhân
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thực hiện theo phương thức PPP dự kiến hoàn thành trước mốc 30/4/2024. Ảnh: Thiện Nhân

Từ chuyện cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo…

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km thực hiện theo phương thức PPP là một điển hình của mô hình hợp tác này, chứng minh cho nỗ lực của nhà đầu tư, tổng thầu. Dự án được khởi công tháng 9/2021, nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925,48 tỷ đồng, gồm: vốn VGF (vốn hỗ trợ của Nhà nước) chiếm 58% tương đương 5.139 tỷ đồng, vốn BOT 3.786 tỷ đồng. Trong phần vốn BOT, vốn góp của nhà đầu tư là 11%, vốn huy động khác là 31% (trong đó, huy động tín dụng chiếm 62%, BCC - hợp tác kinh doanh của các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia Dự án là 38%).

“Theo đánh giá của chúng tôi, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chắc chắn sẽ hoàn thành trước mốc 30/4/2024. Dù trải qua thời gian triển khai nhiều khó khăn, bế tắc (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến động giá vật tư vật liệu, do các dữ liệu thiết kế ban đầu không chính xác…), nhưng với sự đồng lòng của các nhà đầu tư, nhà thầu, Dự án sẽ về đích đúng hẹn”, ông Hoàng khẳng định.

Thực tế, cơ hội thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển dự án hạ tầng giao thông đang rộng mở. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đặt mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc. Nhiều cơ chế đặc thù đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án.

Để khuyến khích khối tư nhân tham gia, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án PPP với vai trò là vốn mồi, các doanh nghiệp được ưu tiên đầu tư, khai thác các dịch vụ liên quan đến dự án và được vay vốn tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi. Thêm vào đó, các dự án đầu tư công có thể được nhượng quyền khai thác, các địa phương nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất nơi dự án đi qua để đầu tư có hiệu quả, gia tăng giá trị công trình.

Theo ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến tham gia đầu tư, xây dựng 300 km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng. Có thể kể đến các dự án: cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…

… đến sự vươn lên của cộng đồng nhà thầu tầm trung

Ông Nguyễn Bá Khương, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 568 nhận định, hiện nay, số lượng nhà thầu thi công xây lắp hạ tầng tầm trung ở Việt Nam khá đông đảo. Tuy nhiên, việc tiếp cận, tham gia các dự án quy mô lớn, trọng điểm để nâng cao năng lực của nhà thầu không nhiều. “Từ việc tham gia với vai trò liên danh ở các dự án hạ tầng lớn, doanh thu năm 2023 của Công ty CP Xây dựng công trình 568 đạt 1.000 tỷ đồng, kế hoạch năm 2024 là 2.500 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu sẽ tham gia cùng các nhà đầu tư lớn để có cơ hội góp sức vào dự án trọng điểm. Tham gia các dự án này, Nhà thầu sẽ có điều kiện nâng cao khả năng quản trị, năng suất lao động, cải tiến thiết bị…”, ông Khương chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Lành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồng Thuận Hà - đơn vị thi công xây lắp có địa chỉ ở Tây Ninh cho biết, việc tham gia dự án hạ tầng trọng điểm cùng nhà đầu tư lớn, chia sẻ rủi ro, lợi nhuận đối với nhà thầu ở các địa phương trước đây gần như không có. “Từ mạnh dạn tìm hiểu, huy động tổng lực khả năng, kinh nghiệm, đến nay chúng tôi đã tham gia nhiều dự án cao tốc như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Quy Nhơn - Chí Thạnh…, tạo ra nguồn việc lớn, góp phần duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động”.

Về lợi ích của sự hợp tác giữa nhà đầu tư, nhà thầu tại các dự án lớn, ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ, nhà đầu tư dự án PPP giao thông cần đa dạng hóa các kênh huy động nguồn lực. Theo đó, thu hút các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC). Phương thức này sẽ góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án. Nhà đầu tư dự án chia sẻ mô hình quản lý, chia sẻ công việc, hỗ trợ các nhà thầu gặp khó khăn khách quan, xử lý các phát sinh nếu có, từ đó giúp cộng đồng nhà thầu thi công không ngừng gia tăng quy mô, kinh nghiệm.

Chuyên đề