Dồn dập khởi động nhiều dự án PPP giao thông lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khoảng hơn nửa năm trở lại đây, nhiều dự án lớn áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được công bố khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một số dự án khác đang được rốt ráo hoàn thiện các bước để sớm lựa chọn nhà đầu tư. Đây đều là những dự án lớn, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, quyết tâm triển khai của lãnh đạo địa phương, dồn nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước để tham gia.
Nhiều dự án PPP giao thông lớn đang được triển khai với kỳ vọng mở ra những không gian phát triển mới cho địa phương. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Nhiều dự án PPP giao thông lớn đang được triển khai với kỳ vọng mở ra những không gian phát triển mới cho địa phương. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Nhiều dự án khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư

Ngày 5/5/2023, Dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư (TMĐT) 10.620 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư quan tâm Dự án có thể đăng ký nộp hồ sơ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, với thời hạn đến hết 17 giờ ngày 5/6/2023.

Tháng 3/2023, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) đã công bố khảo sát lại sự quan tâm của nhà đầu tư, sau khi được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 1/2023. Theo đó, sơ bộ TMĐT Dự án là 22.690 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sơ bộ TMĐT 13.174 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 6.580 tỷ đồng. Hiện Cao Bằng đang đề xuất điều chỉnh số vốn giai đoạn 1 lên 14.127 tỷ đồng. Dự án áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu cho dự án theo quy định tại Điều 82 Luật PPP và nguồn chi trả cho phần giảm doanh thu là dự phòng ngân sách trung ương. UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển để lựa chọn nhà đầu tư.

Trước đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) đã hoàn thành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 9/2022. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.365 tỷ đồng, phần vốn nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 60,1 km, điểm đầu kết nối với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối kết nối với đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội cũng đã hoàn thành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Dự án có TMĐT 56.536 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 27.089 tỷ đồng, đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài 112,8 km đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và tuyến nối. Dự án được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo kết quả khảo sát, có 1 nhà đầu tư quan tâm là Công ty CP Tập đoàn T&T.

Theo quy định, bước khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư nhằm tham vấn ý kiến các nhà đầu tư, bên cho vay để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) dự án, đồng thời là cơ sở để xác định dự án sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước hay quốc tế, có sơ tuyển hay không. Dù kết quả khảo sát như thế nào, các dự án cũng sẽ được đưa ra đấu thầu rộng rãi.

Bên cạnh các dự án đã công bố khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, nhiều dự án PPP lớn khác đang rốt ráo hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Có thể kể đến Dự án Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình được Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình làm cơ quan có thẩm quyền (CQCTQ), sơ bộ tổng mức đầu tư đoạn tuyến này khoảng 18.823 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 9.312 tỷ đồng. Dự án Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 140 km, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước làm CQCTQ, sơ bộ TMĐT 25.987 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia khoảng 9.987 tỷ đồng. Dự án Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương là CQCTQ...

Phối cảnh một công trình hầm thuộc Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh phối cảnh: Phi Long

Phối cảnh một công trình hầm thuộc Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh phối cảnh: Phi Long

Quyết tâm cao triển khai dự án

Từ thực tiễn có thể thấy các dự án PPP giao thông triển khai sau khi Luật PPP có hiệu lực thi hành có tổng mức đầu tư lớn, phức tạp, cũng là những dự án trọng điểm của cả nước, của các địa phương, được quyết liệt chỉ đạo triển khai. Đơn cử như Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Tại cuộc họp của Hội đồng Thẩm định liên ngành BCNCKT Dự án diễn ra tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Chính phủ. Tỉnh Cao Bằng cũng quyết tâm, quyết liệt triển khai, dồn tổng lực trong giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án này. Dự án được ưu tiên sử dụng rất nhiều nguồn vốn, cả vốn trung hạn, vốn chương trình phục hồi, vốn dự phòng. Số vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án đã được bố trí sẵn, ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng nằm trong kế hoạch trung hạn đã được Thủ tướng giao; phần vốn ngân sách địa phương, HĐND đã có nghị quyết bố trí cho Dự án.

Ông Hoàng Xuân Oánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định quyết tâm rất lớn của Tỉnh trong việc triển khai Dự án, phá điểm nghẽn lớn nhất về hạ tầng giao thông kết nối Cao Bằng với các trung tâm kinh tế của cả nước. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chia sẻ, từ trước đến nay Cao Bằng thu hút được 260 nhà đầu tư với hơn 38 nghìn tỷ đồng, thực hiện được khoảng 50%. Nếu có dự án đường cao tốc, số lượng dự án và số vốn thu hút được chắc chắn sẽ tăng mạnh. Cao Bằng rất mong mỏi Dự án sớm triển khai, nhưng cũng sẽ chuẩn bị một cách chắc chắn, khả thi.

Các tỉnh Lạng Sơn, Bình Phước, Bình Dương, Thái Bình… cũng đang dồn lực triển khai các dự án cao tốc, với kỳ vọng mở ra những không gian phát triển mới cho địa phương.

Bên cạnh quyết tâm rất cao từ cơ quan nhà nước, một tín hiệu vui là có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, tham gia lập đề xuất dự án như Tập đoàn T&T, Liên danh Vingroup - Techcombank, Geleximco, Becamex IDC Corp, Tập đoàn Đèo Cả…

Theo nguồn tin riêng của Báo Đấu thầu, có nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới 2 dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Tháng 3 vừa qua, nhà đầu tư này có văn bản gửi các cơ quan liên quan đề xuất đăng ký đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, BCNCKT 2 dự án và chấp nhận chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận. Dù theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài này không còn cơ hội lập đề xuất dự án, nhưng hoàn toàn có thể tham gia khi 2 dự án này được đưa ra đấu thầu rộng rãi.

Theo một chuyên gia, với các dự án PPP giao thông lớn, công tác chuẩn bị đầu tư cần kỹ lưỡng để dự án khả thi, giảm những điều chỉnh, phát sinh sau này. Đó cũng là một trong những nguyên nhân từ sau khi Luật PPP có hiệu lực cần có độ trễ để các dự án đi vào thực tế triển khai. Các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện cần chú trọng nghiên cứu sâu về tính khả thi của dự án, truyền thông rộng rãi để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm, bảo đảm hiệu quả trong đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.

Chuyên đề