Quyết sách quan trọng cho 5 năm

Kế hoạch ban đầu đã được vạch ra. Mục tiêu tổng quát là trong 5 năm tới 2016 - 2020, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đặt mục tiêu, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD.... Ảnh: Đức Thanh
Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đặt mục tiêu, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD.... Ảnh: Đức Thanh

Trong khi đó, với các mục tiêu cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo, đó là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD...

Ngoài mục tiêu quan trọng nhất này, Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 cũng đề xuất đạt tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85% trong 5 năm tới; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; còn bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP...

Trên thực tế, xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là bước đi quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Các chỉ tiêu quan trọng này cũng đã được đề cập trong Nghị quyết.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII được ban hành, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự đồng tình trước các mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra trong hành trình phát triển 5 năm tới, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách thể chế kinh tế.

Thậm chí khá lạc quan, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, những mục tiêu này là khả thi. Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng GDP, việc xác định ngưỡng tăng trưởng 6,5 - 7% sẽ tạo dư địa để Chính phủ chủ động trong điều hành các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong lúc này là làm sao thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII, cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

“Thực ra thì các phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế… cũng đã được vạch ra và thực hiện trong giai đoạn 5 năm trước, song còn có phần chậm trễ. Để thực hiện thành công kế hoạch của 5 năm tới, các giải pháp này cần phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ và khẩn trương hơn nữa”, ông Ân nói và cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu hiện nay, sức ép cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh là rất lớn, nếu không thực hiện được sẽ bỏ lỡ cơ hội, đối mặt với nguy cơ tụt hậu.

Điều này trên thực tế cũng đã được cái đại biểu Quốc hội đề cập từ Kỳ họp thứ 10, khi Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII được đưa ra thảo luận. Khi đó, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung mổ xẻ lý do vì sao Việt Nam không hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Và các nguyên nhân cốt lõi nhất đã được chỉ ra liên quan tới việc nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Sự chậm trễ trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, cũng như sự chưa hiệu quả trong thực hiện các đột phá chiến lược, rồi những bước đi còn ngắn trong tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... cũng đã được nhắc tới.

Vì thế, điều dư luận xã hội trông chờ, đó là tại Kỳ họp lần thứ 11, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận để tìm ra quyết sách nhằm làm sao thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

“5 năm tới, quan trọng là phải đổi mới thể chế kinh tế để tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Do chưa thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ, nên nhiều dư địa và tiềm năng tăng trưởng chúng ta chưa khai thác hết được. Do cơ cấu lao động của Việt Nam không phù hợp nên năng suất lao động còn thấp. Đây là những yếu tố cốt lõi phải tập trung cải cách trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Chuyên đề