Quyết liệt đôn đốc thu, giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN xuống mức thấp nhất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 4208/BHXH-TST chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh) tăng cường thực hiện các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, trong đó mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) xuống mức thấp nhất.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, thời gian qua BHXH các tỉnh đã bám sát các chỉ đạo của BHXH Việt Nam triển khai nhiều giải pháp thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN như: bám sát, đôn đốc đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời; gửi thông báo kết quả đóng tới người SDLĐ; triển khai thanh tra chuyên ngành (TTCN), kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên… Nhằm triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN xuống mức thấp nhất, BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh thực hiện hiệu quả 04 nhiệm vụ.

Một là, bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, cấp ủy chính quyền địa phương triển khai hiệu quả kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Thường xuyên báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh tình hình thực hiện đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn; chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành và xử lý đơn vị vi phạm việc đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Hai là, đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, linh hoạt triển khai các giải pháp như: gửi thông báo đôn đốc; trực tiếp làm việc tập trung hoặc tổ chức theo hội nghị khách hàng; tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra...; công khai thông tin dự kiến kiểm tra, thanh tra; chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra, xử lý.

Ba là, đề xuất các cấp có thẩm quyền không khen thưởng, vinh danh đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, biểu dương các đơn vị chấp hành tốt nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bốn là, phân công lãnh đạo, trưng tập công chức, viên chức đôn đốc, theo dõi các đơn vị SDLĐ trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN. Từ ngày 15/12/2023, trước 18h30 hằng ngày đánh giá kết quả việc thực hiện và báo cáo kết quả về BHXH Việt Nam.

Theo BHXH Việt Nam, việc các đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt của toàn Ngành, thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thu, giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT... Theo đó, các địa phương đã vào cuộc tích cực, như: thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; ban hành các văn bản nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị SDLĐ chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; quy định không xem xét, bình xét đề nghị khen thưởng các cấp đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; các đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT không được tham gia đấu thầu các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh… Qua đó, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền, lợi ích an sinh chính đáng của người lao động và Nhân dân.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, tính đến hết ngày 30/11/2023 theo C12-TS lấy ngày 05/12/2023, Thành phố có 53.622 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 01 tháng trở lên. Trong đó, 24 đơn vị nợ trên 10 tỷ đồng. Trong đó, 24 đơn vị nợ trên 10 tỷ đồng, nhiều đơn vị có thời gian nợ kéo dài trên 100 tháng.

Còn theo BHXH TP.HCM, tính đến ngày 31/10/2023 (cập nhật UNC đến hết ngày 09/11/2023), Thành phố có 17.742 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 03 tháng trở lên… Theo BHXH TP.HCM, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là tình trạng phức tạp, đã diễn ra nhiều năm. Quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là tuân theo nguyên tắc đóng – hưởng, chính vì thế khi doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng thì tất cả các quyền lợi của người lao động liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN bị ảnh hưởng. Do vậy, BHXH TP.HCM đã quyết định khoá thẻ 74 đơn vị chậm đóng BHXH tháng 12/2023, khoá thẻ 70 đơn vị chậm đóng BHXH tháng 12/2023, khoá thẻ 49 đơn vị chậm đóng BHXH tháng 10/2023…

Chuyên đề