Quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế 5 năm 2021 - 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu cùng 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện. Song, để phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung thực hiện "mục tiêu kép", lựa chọn ưu tiên, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả để phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tập trung thực hiện “mục tiêu kép”

Sáng 22/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Báo cáo của Chính phủ lần này đã cập nhật, bổ sung tình hình, tác động của đại dịch Covid-19, nhất là từ đầu năm 2021, những thay đổi chiến lược, chính sách kinh tế của một số nước cũng như khả năng tận dụng các cơ hội phát triển sau đại dịch... đến khả năng tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới, trong nước.

Bám sát quan điểm phát triển KT-XH của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016 - 2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Báo cáo của Chính phủ đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Trong đó, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện; nghiên cứu khẩn trương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp gây thất thoát, lãng phí; trường hợp cần thiết ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong luật hoặc đã có nhưng có nhiều vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại....

Quốc hội nghe tờ trình về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Quốc hội nghe tờ trình về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Nguy cơ lỡ nhịp vì không đủ nguồn cung vắc-xin

Cho ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa duy trì, phục hồi và phát triển KT-XH; về tổng thể giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đã đạt những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen; dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới có khả năng lây lan cao hơn, tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới. Một số quốc gia đã đẩy mạnh tiêm vắc-xin, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung. Nhiều vấn đề xã hội, môi trường diễn ra bất thường; bảo vệ độc lập, chủ quyền còn nhiều thách thức cũng có thể tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị, các chỉ tiêu hàng năm cần phấn đấu đạt cao hơn. Trong điều hành của Chính phủ cần quan tâm tới một số chỉ tiêu cụ thể: môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chi phí logistics, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, tỷ lệ nội địa hóa. Báo cáo rõ về phương pháp xác định đối với chỉ tiêu kinh tế số so với GDP.

Ngoài ra, Chính phủ cần quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; chú trọng công tác tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; khắc phục triệt để việc nợ đọng văn bản; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện, triển khai chiến lược vắc-xin.

Đầu tư xây dựng, phát triển, quản lý quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ, thông minh, xanh, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới và xu hướng phát triển đô thị hóa nông thôn. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu…

Cùng với đó, Chính phủ cần đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước; xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 vào ngày 27/7/2021.

Chuyên đề