Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý.
Đánh giá tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng, kết quả tích cực đầu tiên là đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP, được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Đến nay, các bộ đã hoàn thành 7/83 nhiệm vụ được giao trong khi Nghị quyết mới ban hành được 3 tháng rưỡi.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao. Mục tiêu đến hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ khó đạt nếu không thúc đẩy quyết liệt việc này. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm.
Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử theo kiểu “trăm hoa đua nở” dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông.
Về cách làm Chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý, “những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí. Triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt.