Quỹ ngoại lãi "khủng" với những khoản đầu tư tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt

0:00 / 0:00
0:00
Những "trận đánh” tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt Nam đã mang về một khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhiều quỹ đầu tư nước ngoài…
Hiệu suất đầu tư trong tháng 5 của một số quỹ ngoại.
Hiệu suất đầu tư trong tháng 5 của một số quỹ ngoại.

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước chảy vào cuồn cuộn đẩy VN-Index liên tiếp cán mốc lịch sử từ đầu năm đến nay, thanh khoản mỗi phiên từ hơn chục ngàn tỷ đã lên 20.000 tỷ và sau đó chạm mốc 30.000 tỷ đồn. Tất cả là nhờ dòng tiền trong nước, trong khi đó khối ngoại lại bán ròng không tiếc tay với giá trị bán hơn 1 tỷ đô từ đầu năm đến nay.

VN-Index thăng hoa, không thể thống kê chi tiết lợi nhuận nhà đầu tư trong nước nhận về bao nhiêu nhưng chắc chắn, các quỹ đầu tư ngoại đã thắng rất lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) - quỹ thành viên hơn 2 tỷ USD của Dragon Capital vừa công bố báo cáo tuần với chiến tích vẻ vang. Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất đầu tư của VEIL đạt 40%, cao gấp đôi mức tăng 18,62% của VN-Index và gấp đôi so với năm 2020; gấp 13 lần so với năm 2019. Trong những tuần gần đây, tỷ trọng tiền mặt của VEIL luôn duy trì ở mức thấp, dưới 5% giá trị tài sản ròng trong năm gần nhất, hiện chỉ khoảng 0,82% NAV.

Tính đến 3/6, ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục VEIL với 34,04%, theo sau là bất động sản 25,64% và F&B 7,57%; Nguyên vật liệu 6,93%; Năng lượng 5,73%…

Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu lợi nhuận của quỹ với 3,19%. VPB chiếm tỷ trọng nhiều thứ hai trong danh mục với 12,05%; ACB 10,69%; VCB 6,48%; TCB 3,9%. Trước đó, ngày 11/5, nhóm nhà đầu tư nước ngoài thuộc Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của VPBank sau khi mua 3,15 triệu cổ phiếu VPB để nâng sở hữu từ 4,99% lên hơn 5,12% vốn, tương đương gần 125,8 triệu cổ phiếu. Trong đó, VEIL mua vào 1,5 triệu đơn vị và là quỹ thành viên của Dragon Capital sở hữu lớn nhất với 1,74% vốn VPBank.

Top 10 giá trị cổ phiếu của VEIL còn có HPG với tỷ trọng 15,31% xếp vị trí số 1; MWG 10,69% xếp vị trí thứ 4; VIC vị trí thứ 5 với 7,32%; VHM vị trí thứ 7 với 5,59%; FPT vị trí thứ 8 với 4,62%; NVL vị trí thứ 9 với 3,95%.

Cơ cấu nhóm ngành đầu tư của VEIL.

Cơ cấu nhóm ngành đầu tư của VEIL.

Một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Vietnam Equity Fund (VEF) cũng có tỷ suất lợi nhuận cao với mức tăng 38,83 % từ đầu năm đến nay. Tính riêng tháng vừa qua tăng 16,51%. Danh mục của VEF cũng tương đương với VEIL khi nắm giữ chủ yếu các mã ngân hàng như VPB, MBB, ACB, VCB, TCB hay HPG, NVL, FPT, VIC.

Hiệu suất đầu tư của VEF.

Hiệu suất đầu tư của VEF.

Tại Pyn Elite Fund, quỹ này cũng có những năm tháng ngọt ngào ở sàn chứng khoán Việt Nam nhờ cổ phiếu ngân hàng VPB. 5 tháng đầu năm nay, tỷ suất lợi nhuận đầu tư của quỹ Pyn Elite Fund đạt 16,26%. Danh mục hiện tại của PYN Elite Fund, Vinhomes vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 13,8%, 4 ngân hàng gồm TPB, HDB, MBB, CTG chiếm tỷ trọng 39,1%. Tiếp theo là VN Diamond, VRE, VEA, ACV, NLG.

Trong đó, riêng TPB tăng trưởng cao nhất 36,7% và tăng 130% kể từ khi đầu tư vào, tiếp tục kỳ vọng mạnh vào thị giá cổ phiếu này trong năm 2021. CTG tăng trưởng 30,1%; VCI 28%. Ở chiều ngược lại, 3 mã có mức tăng trưởng âm là CEO giảm 2,9%; ACV giảm 7,9%, VRE giảm 8,1%. Tính riêng tháng 5, tỷ suất lợi nhuận đầu tư của PYN Elite Fund đã tăng 9,9%, đây cũng là tháng 5 mà quỹ đến từ Phần Lan có mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm kể từ khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiệu suất đầu tư của PYN Elite theo năm.

Hiệu suất đầu tư của PYN Elite theo năm.

Với Vietnam Holding Limited, trong tháng 5 tỷ suất lợi nhuận của VHL là 12,4%, luỹ kế đến cuối tháng 5, tỷ suất lợi nhuận của quỹ này lên đến 34,4% vượt xa với mức dự báo đưa ra từ đầu năm với mức tăng trưởng lợi nhuận là 23%. Trước đó, tháng 4/2021, tỷ suất lợi nhuận của Vietnam Holding là 8,3%.

Danh mục cập nhật gần nhất, FPT chiếm tỷ trọng lớn nhất 10,5%; HPG thứ 2 với 10,3%; VPB thứ 3 với 9,1%. Ngoài ra còn có CTG, MBB, VHM, KDH, PNJ, MWG, STB. Nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VHL với tỷ lệ 30%; Công nghiệp dịch vụ 19%; Bất động sản 16%; Bán lẻ 10% còn lại là Dịch vụ tài chính, Thực phẩm đồ uống, Vật liệu, Hoá chất…

Một quỹ nữa là VinaCapital Vietnam - VOF cũng thắng đậm với lợi nhuận tăng 9,42% trong tháng 5, đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong 5 tháng đầu năm 2021. Tính đến ngày 31/5, tổng tài sản của VOF là 1.322 triệu USD.

Nhìn chung, hầu hết các quỹ ngoại thắng lớn đều nhờ vào nhóm ngân hàng đã tăng nóng trong tháng vừa qua. Đây cũng là “món” ưa thích của nhiều quỹ ngoại trên sàn chứng khoán Việt Nam bởi ngành có vốn hoá lớn nhất, trong năm 2021 nổi bật với câu chuyện tăng vốn, bán công ty con, bán cổ phần…đặc biệt, riêng VPB đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho không ít quỹ ngoại.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng lợi nhuận của quỹ ngoại liệu còn tiếp tục cao hơn nữa trong thời gian hay tới hay không còn tuỳ thuộc vào độ nhanh nhạy với thị trường khi mà cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá nóng, nhiều nhận định cho rằng sẽ không còn dư địa tăng giá tốt trong thời gian sắp tới...

Chuyên đề