Quý I, nhiều doanh nghiệp cao su báo lãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi chạm đáy vào tháng 3/2020 với mức giá 131,5 JPY/kg, giá cao su thiên nhiên đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt mức 308,8 JPY/kg vào tháng 10/2020. Sau đó, dù có giảm nhưng giá cao su trong quý I/2021 vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực giai đoạn đầu năm nay.
3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng cao su ước đạt 5,97 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Minh Trí
3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng cao su ước đạt 5,97 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Minh Trí

Công ty CP Cao su Đồng Phú cho biết, sản lượng tiêu thụ trong quý I/2021 đạt 1.672 tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1.319 tấn. Giá bán bình quân cũng cao hơn 25%, giúp Cao su Đồng Phú ghi nhận 201 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 97% so với quý I/2020; lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng 89%. Năm 2021, Cao su Đồng Phú lên kế hoạch doanh thu 820 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 186 tỷ đồng. Như vậy sau quý I, Công ty đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 1/3 chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm.

Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk cũng cho biết, sản lượng bán hàng trong quý I/2021 tăng 212,4% so với cùng kỳ 2020, đạt 3.126,09 tấn. Giá bán mủ bình quân tăng từ mức 1.237,4 lên 1.692,73 USD/tấn. Theo đó, quý I/2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt 124,5 tỷ đồng, tăng 137,1%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2021 đạt 16,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 lỗ 9,1 tỷ đồng.

Năm 2021 Cao su Đắk Lắk đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 587 tỷ đồng, tăng 33% so với 2020; lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến ở mức hơn 60,6 tỷ đồng, tăng 78%; lợi nhuận sau thuế là 45,8 tỷ đồng và cổ tức dự kiến ở mức 5%.

Một số doanh nghiệp cao su khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan: Công ty CP Cao su Tây Ninh ghi nhận doanh thu thuần bán hàng hơn 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng trưởng 15%; Công ty CP Cao su Bà Rịa lãi ròng 53 tỷ đồng (tăng trưởng 15%); Công ty CP Cao su Đắk Lắk lãi ròng 31 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 lỗ 9,7 tỷ đồng)…

Diễn biến giá cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM)

Diễn biến giá cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM)

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cao su tăng trong quý đầu năm do yếu tố mùa vụ cùng với việc Trung Quốc tăng thu mua để phục vụ ngành công nghiệp ô tô ở nước này tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Đồng thời nhu cầu găng tay cao su vẫn được duy trì. Trong khi đó, nguồn cung cao su nội địa của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh do các vườn trồng cao su bị ảnh hưởng bởi hạn hán và bão lũ trong năm 2020.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 19,2% so với tháng 3/2020. Tính chung quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cao su là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất trong quý I/2021. Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 5,97 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,73% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong 10 ngày giữa tháng 4, giá cao su trên các sàn giao dịch khu vực châu Á tiếp tục giảm do lo ngại các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ tăng, khiến nhu cầu cao su toàn cầu hồi phục chậm lại và dự kiến Chính phủ Thái Lan có thể giải phóng hàng tồn.

Nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển. Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan hiện đang phải đối mặt với tình trạng số người nhiễm Covid-19 gia tăng, làm giảm sự kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế của khu vực.

Chuyên đề