Cao su tăng giá, doanh nghiệp khai thác hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 quý đầu năm khó khăn bởi giá cao su lao dốc và sản lượng tiêu thụ giảm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cao su trong nước đã tích cực hơn trong quý III/2020 và dự báo tiếp tục phục hồi trong quý còn lại. Điều này có được khi giá cao su đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Nhiều doanh nghiệp cao su có kết quả kinh doanh khả quan sau nửa đầu năm thua lỗ. Ảnh: Vũ Lợi
Nhiều doanh nghiệp cao su có kết quả kinh doanh khả quan sau nửa đầu năm thua lỗ. Ảnh: Vũ Lợi

Quý III khởi sắc

Kể từ đầu năm tới giữa tháng 4/2020, giá cao su thiên nhiên có diễn biến lao dốc, sau đó duy trì vùng giá thấp. Cụ thể, giá cao su thiên nhiên trong quý II/2020 dao động trong khoảng 130 - 145 Yên Nhật (JPY)/kg, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 175 - 240 JPY/kg. Từ cuối tháng 7/2020, giá cao su bắt đầu có sự phục hồi. Dù giá cao su bình quân trong quý III/2020 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng sản lượng tiêu thụ lớn đã giúp các doanh nghiệp cao su trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Công ty CP Cao su Bà Rịa (Baruco) ghi nhận 117,8 tỷ đồng doanh thu bán hàng trong quý III/2020, tăng trưởng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 10,8 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng mạnh so với con số 5,2 tỷ đồng quý II/2020 và 7,6 tỷ đồng quý I/2020. Giá bán sản phẩm bình quân quý III/2020 ở mức 30,091 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với con số 33,039 triệu đồng/tấn cùng kỳ năm 2019, nhưng sản lượng bán ra đạt 3.786 tấn, tăng 26% so quý III/2019. Lũy kế 9 tháng, Baruco lãi ròng 23,7 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp cao su khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan sau nửa đầu năm thua lỗ tới 21,6 tỷ đồng là Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk. Quý III/2020, doanh thu của Công ty đạt 144,7 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 11,3 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5%. Do thua lỗ 2 quý đầu nên lũy kế 9 tháng, Công ty vẫn báo lỗ 10,1 tỷ đồng.

Đối với Công ty CP Cao su Tây Ninh, dù doanh thu bán cao su 6 tháng đầu năm giảm nhưng Công ty vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận 10% nhờ thanh lý cây cao su. Trong quý III/2020, doanh thu của Công ty tăng trưởng trở lại, đạt 98 tỷ đồng. Lợi nhuận thanh lý cây cao su trong quý III/2020 không tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng Công ty vẫn báo lãi sau thuế tăng gần 9%, đạt 8,6 tỷ đồng.

Triển vọng tăng giá cao su

Dù giá cao su bắt đầu phục hồi từ tháng 7 nhưng đà tăng thực sự gây ấn tượng là từ đầu tháng 10 tới nay. Trong khoảng thời gian từ ngày 5 - 23/10, giá cao su đã tăng tới 17,8% lên hơn 265 JPY/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Giá cao su kỳ hạn tiếp tục đà tăng trong tuần cuối cùng của tháng 10, lần đầu tiên tăng lên trên 285 JPY/kg kể từ tháng 5/2017 do nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới sau khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp găng tay đang phát triển bùng nổ ở Malaysia sau sự gia tăng của các ca bệnh Covid-19 cũng hỗ trợ tăng giá cao su nguyên liệu. Về phía nguồn cung, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự kiến sản lượng toàn cầu sẽ giảm gần 5% khiến mặt hàng này có triển vọng tăng giá hơn nữa.

Trong báo cáo mới nhất công bố giữa tháng 10, ANRPC đã nâng dự báo tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2020 thêm 67.000 tấn lên 12,611 triệu tấn. Lý do điều chỉnh tăng là bởi nhận định lạc quan hơn về thị trường Trung Quốc.

ANRPC đồng thời cũng nâng dự báo về triển vọng tiêu thụ cao su ở Ấn Độ khi các hoạt động sản xuất tại quốc gia Nam Á này dần phục hồi, trong bối cảnh sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ năm 2020 dự báo giảm 42.000 tấn xuống 668.000 tấn do dịch Covid-19 gây thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Chuyên đề