Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Cụ thể, mức vốn pháp định đối với các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng như sau: ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng; ngân hàng chính sách là 5.000 tỷ đồng; ngân hàng hợp tác xã là 3.000 tỷ đồng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15 triệu USD; công ty tài chính là 500 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ đồng; tổ chức tài chính vi mô là 5 tỷ đồng; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn là 0,5 tỷ đồng; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường là 1 tỷ đồng.
Nghị định quy định, tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định 86 có hiệu lực thi hành phải bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định kể từ ngày Nghị định 86 có hiệu lực thi hành.
Quỹ tín dụng nhân dân được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định 86 có hiệu lực thi hành phải có biện pháp bảo đảm vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định trên, chậm nhất vào ngày 30/6/2021.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2020.
Kể từ ngày 15/1/2020, trường hợp có văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, quỹ tín dụng nhân dân phải có biện pháp bảo đảm có vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định trên.