Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited nắm giữ cổ phần trị giá “khủng” tại các doanh nghiệp tên tuổi. Ảnh: Đức Thanh |
Cũng trong ngày 5/7/2016, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đón nhận thêm tin vui khi quỹ đầu tư chứng khoán lâu đời và lớn nhất Việt Nam là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đã chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London (LSE). Trước đó, vào ngày đầu tháng 7, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đến từ Hàn Quốc với tên gọi KINDEX Vietnam VN30 ETF chính thức niêm yết trên TTCK Hàn Quốc với chỉ số cơ sở là VN30.
VEIL - quỹ đầu tư lớn với danh mục “khủng”
VEIL ra đời năm 1995 và hiện tổng tài sản ròng của quỹ này đạt trên 900 triệu USD. Hiện tại, gần một nửa tổng tài sản quỹ này quản lý là các khoản đầu tư vào những doanh nghiệp đã kín room. Chính vì vậy nhà đầu tư nước ngoài khác thường phải trả giá cao hơn giá thị trường nếu muốn sở hữu các cổ phiếu này. Trong khi đó, giá thị trường của những cổ phiếu này cũng đã vượt xa giá trị đầu tư của VEIL, do công ty này thường rót vốn khi các doanh nghiệp chưa lên sàn hoặc vừa IPO.
Căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2015 VEIL lãi 22,2 triệu USD, giảm 54,6% so với kết quả đạt được năm 2014. Tại thời điểm cuối năm 2015, VEIL nắm giữ cổ phần trị giá hàng triệu đến hàng chục triệu USD tại các doanh nghiệp tên tuổi như Vinamilk (VNzM), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), FPT, Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Vietcombank (VCB), Cơ điện lạnh (REE), Đô thị Kinh Bắc (KBC), PVGas (GAS), Masan Group (MSN), Dược Hậu Giang (DHG)… Việc nắm giữ cổ phần có thể do VEIL trực tiếp sở hữu hoặc thông qua các quỹ thành viên.
Những cổ phiếu đầu tư hiệu quả nhất của VEIL căn cứ vào chênh lệch giá thị trường so với giá mua gốc, phải kể đến VNM, HPG, ACB, REE, KDH với tỷ trọng phân phối tương đối cao. Khoản đầu tư được đánh giá là hời nhất của VEIL chính là cổ phiếu VNM, một trong những mã chứng khoán nóng nhất thị trường, và là trung tâm chú ý với kế hoạch nới room trong thời gian tới.
Cụ thể, VEIL nắm giữ hơn 10 triệu USD cổ phần Vinamilk tính theo giá gốc. Tuy nhiên, nhờ nắm giữ từ những ngày đầu, khối lượng tài sản này đã có giá trị 168 triệu USD (tính đến cuối năm 2015). “Lợi nhuận” từ VNM tương ứng đạt khoảng 158 triệu USD, tất nhiên, được xếp loại là “lợi nhuận chưa thực hiện” (unrealised gains). Những khoản mục này được coi là “của để dành” giá trị dành cho VEIL.
Quan sát danh mục đầu tư của Quỹ, có thể nhận thấy rằng VEIL không mấy quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp lớn, thị phần ổn định, thứ hạng cao trong các lĩnh vực cơ bản được VEIL để mắt và rót khá nhiều tiền.
Một trong những trường hợp khá đáng tiếc của VEIL là Quỹ quá cẩn trọng khi đầu tư vào CotecCons (mã chứng khoán CTD), một trong những doanh nghiệp đứng đầu về xây dựng. Từ 3,6 triệu USD ban đầu rót vào cổ phiếu CTD, tính đến cuối năm 2015, khoản đầu tư này đã có giá trị 7,5 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận ai cũng phải mong ước. Hiện CTD là mã chứng khoán có thị giá cao nhất thị trường (204.000 đồng/CP).
“Mất trắng” vì vàng
Với tình hình tài chính không có gì sáng sủa, khoản đầu tư gần 3,8 triệu USD của VEIL vào Bersa Gold được đánh giá 0 đồng vào cuối năm 2015. Tất nhiên, nếu Bersa Gold hồi phục, mặc dù xác suất không lớn, VEIL có thể gỡ gạc phần nào. Bersa Gold là một trong rất ít doanh nghiệp chưa niêm yết mà VEIL đầu tư.
Dù hoạt động bài bản đến mấy, những rủi ro trong đầu tư là không thể tránh khỏi. Việc niêm yết VEIL trên LSE không chỉ mang đến cơ hội trực tiếp cho Quỹ mà còn mang lại cơ hội huy động vốn nước ngoài đối với các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam. Làm quen với thị trường bắt đầu từ chứng chỉ quỹ đầu tư vào thị trường là phù hợp hơn việc rót vốn trực tiếp vào các doanh nghiệp, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thông tin chưa thực sự đầy đủ.