Hiện còn 25 quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động. Ảnh: Nhã Chi |
Từ năm 2006, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV TP.HCM đã bắt đầu hoạt động. Sau đó, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP, nhiều địa phương đã thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Ông nhận xét gì về hiệu quả của các quỹ này?
TS. Lê Duy Bình |
Rất nhiều DNNVV có nhu cầu về vốn song không đáp ứng đủ các điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh khả thi để vay vốn tín dụng của ngân hàng. Do không đáp ứng đủ điều kiện vay thương mại của các ngân hàng nên nhiều DN tìm đến quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV song hầu như không được hỗ trợ. Thực tế, việc thành lập và hoạt động của quỹ là chủ trương và chính sách đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, song đến nay rất ít DN được hưởng lợi từ quỹ, các thông tin về hoạt động của quỹ cũng ít ỏi. Số liệu thống kê gần nhất của Bộ Tài chính cho biết, đã có khoảng 2.450 DN được bảo lãnh vay 4.800 tỷ đồng từ các quỹ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã giải thể quỹ như Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên. Thậm chí, có cả các vụ sai phạm từng xảy ra tại Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV TP.HCM khiến một số cá nhân phải vướng vòng lao lý. Thực tế đó cho thấy, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV hoạt động chưa hiệu quả so với kỳ vọng.
Về cơ chế bảo lãnh, điều gì hạn chế DN tiếp cận quỹ, thưa ông?
Điểm hạn chế rõ nhất là thiết kế vận hành quỹ chưa phù hợp về cơ chế bảo lãnh. Đơn cử, quy chế bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV quá chặt chẽ. Điều 16 Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định, một trong những điều kiện để được bảo lãnh vay vốn là “có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định”. Các biện pháp bảo đảm bao gồm quyền tài sản, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của DN… Thực tế, nếu bảo đảm đủ điều kiện như vậy thì nhiều DN cũng đủ khả năng vay tiền của các ngân hàng mà không cần đến quỹ.
Từ phía các địa phương, điều gì dẫn đến sự thiếu nhiệt tình trong việc vận hành quỹ?
Có thể thấy rõ là nhiều quỹ tại một số địa phương chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi giải thể do thiếu cơ chế vận hành và trách nhiệm cụ thể, nguồn vốn hạn hẹp. Số liệu thống kê cho thấy, hiện còn 25 quỹ đang hoạt động, trong đó chỉ có một số quỹ có quy mô vốn từ 100 tỷ đồng, hầu hết các quỹ đều chỉ có vốn từ 4 - 10 tỷ đồng. Quy mô vốn như vậy thì khó thực hiện được vai trò bảo lãnh tín dụng.
Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của tổ chức và cá nhân chưa rõ ràng, hoạt động cũng được mà không hoạt động được thì giải thể khiến mục tiêu hỗ trợ khối DNNVV của quỹ là tốt, nhưng khó khả thi.
Theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như ông nhận định, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV là chủ trương đúng đắn, vậy cần làm gì để cải thiện vai trò, hoạt động của quỹ?
Để cải thiện hoạt động của quỹ, cần tham khảo cách thức vận hành quỹ này của một số nước trên thế giới. Chẳng hạn, Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc (KODIT) chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Tín dụng thuộc Bộ Kế hoạch tài chính và Quốc hội Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực bảo lãnh tín dụng cho các đối tượng là DNNVV có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hiện tại, tài sản cơ bản của KODIT là 7,5 tỷ USD với số dư bảo lãnh là 66,2 tỷ USD cho 607.819 DN. Nguồn vốn chính của KODIT đến từ Chính phủ Hàn Quốc, các cơ quan tín dụng là ngân hàng Hàn Quốc đóng góp khoản chi phí nhất định theo tỷ lệ % khoản vay cấp cho DN và từ các DN lớn, cơ quan địa phương.
Theo tôi, Chính phủ nên thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, bộ máy vận hành quỹ có năng lực thẩm định và chịu trách nhiệm triển khai. Quỹ bảo lãnh thẩm định hồ sơ tín dụng của DN và yêu cầu ngân hàng cho vay. Trong trường hợp DN không trả được nợ thì quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ phải trả thay. Cách làm này có rủi ro nhất định nên cần cơ chế kiểm soát tốt với các tiêu chí cụ thể về cho vay, mức độ chịu trách nhiệm của cá nhân và tập thể hợp lý.