Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh tín dụng vẫn rất khiêm tốn. Ảnh: Tiên Giang |
Bất cập
Hiện nay Việt Nam đang có hàng chục quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập với mục tiêu là cầu nối giữa ngân hàng và các DN. Tuy nhiên, đánh giá về các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động hỗ trợ của các quỹ còn nhiều hạn chế. TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, mục tiêu giúp DNNVV, nhất là các DN không có tài sản bảo đảm, tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn đến nay chưa đạt được.
Đặc biệt, theo quy định tại Điều 23, Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg (Quyết định 58) ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. “Quy định này tạo ra khó khăn lớn đối với DN, bởi tài sản bảo đảm như một điều kiện tiên quyết để DN được vay vốn. Nhưng có thực tế là khi DN có tài sản bảo đảm thì sẽ đến trực tiếp ngân hàng để vay vốn”; “Khảo sát tại tỉnh Bắc Ninh cho thấy, từ khi Quyết định 58 được ban hành, mới chỉ có 2 DN được bảo lãnh tín dụng và hiện nay quỹ này đã phải nhập vào Quỹ đầu tư phát triển của địa phương” - ông Đức Anh dẫn chứng.
Trên thực tế phát sinh nhiều vướng mắc khiến mục tiêu hoạt động của các quỹ bảo lãnh không đạt được. Đơn cử như việc phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại còn kém hiệu quả, mức độ tin tưởng vào khả năng thẩm định khách hàng của các quỹ còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố chi phối hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh như: quy định cơ chế trách nhiệm không rõ ràng; mức độ “thân thiết” trong mối quan hệ của DNNVV với cán bộ tín dụng…
Đề xuất tháo gỡ
Để các quỹ bảo lãnh tín dụng thực sự phát huy được đúng mục tiêu kỳ vọng, nhất là khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực vào đầu năm 2018, các chuyên gia kinh tế cho rằng không ít khó khăn cần phải tháo gỡ. Về mô hình bảo lãnh tín dụng, TS. Đức Anh cho rằng, Chính phủ có thể tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ, hoạt động dưới hình thức hiệp hội. Mô hình này giải quyết được vấn đề bất đối xứng thông tin giữa ngân hàng và DN trong quá trình đánh giá rủi ro khách hàng vay, do các hiệp hội có thể có thông tin cụ thể về hoạt động của DN thành viên khi họ muốn bảo lãnh tín dụng. Cơ chế này cũng khắc phục được những vấn đề khó khăn trong công tác thẩm định của các quỹ bảo lãnh tín dụng khi cán bộ không đủ năng lực.
Một số chuyên gia cho rằng, các chương trình bảo lãnh chỉ đạt được hiệu quả khi DN có phương án kinh doanh tốt, ngân hàng kinh doanh tốt, nhân viên chuyên nghiệp và có khả năng thẩm định khi người vay không đủ tài sản thế chấp. Trong khi đó, có một thực trạng là sự phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại tại Việt Nam còn kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do sự thiếu tin tưởng vào khả năng thẩm định khách hàng của các quỹ, thậm chí một số ngân hàng từ chối bảo lãnh để tránh rủi ro. Do đó, để tăng cường sự phối hợp từ hai phía, rất cần phải tạo niềm tin từ phía ngân hàng đối với các quỹ này.
Theo TS. Đức Anh, các ngân hàng thương mại cũng có lợi ích nhất định từ việc tham gia cho vay các DN được bảo lãnh. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này cũng cho thấy, họ thiết lập cơ chế trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả quỹ bảo lãnh tín dụng và các ngân hàng thương mại với tỷ lệ tương ứng 80% và 20%. Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các ngân hàng thương mại sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ. Để tăng khả năng thẩm định khách hàng có thể bắt đầu từ việc thay đổi mô hình bảo lãnh, bao gồm: cấp vốn bổ sung từ ngân sách trung ương, cơ chế bảo hiểm bảo lãnh, tạo ra cơ chế tương trợ với sự tham gia của các hiệp hội...