Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án kết cấu hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua chiều 24/6, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được biểu quyết thông qua với tỷ lệ 96,15%
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được biểu quyết thông qua với tỷ lệ 96,15%

Nghị quyết được biểu quyết thông qua với số phiếu tán thành cao, đạt tỷ lệ 96,15%.

Tại Nghị quyết, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, dân tộc, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên khác của Chính phủ báo cáo tại phiên chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và các quy định của pháp luật, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo đó, với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội đề nghị tập trung thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khu đổ thải, bảo đảm đủ nguồn vật liệu trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng giao thông. Đánh giá tổng thể và nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ (2 làn xe hoặc 4 làn xe, không có làn dừng xe khẩn cấp) thành đường cao tốc phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế theo quy định và nhu cầu vận tải.

Tập trung hoàn thiện các tuyến đường gom, đường dân sinh, trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác; triển khai hệ thống giao thông thông minh và các giải pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông khi đưa vào khai thác. Khẩn trương xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

“Trong năm 2023, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT. Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”, Nghị quyết nhấn mạnh.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, áp dụng đa dạng, kết hợp linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực của ngành.

Bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; việc thí điểm (nếu có) những nội dung khác với quy định của luật phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chuyên đề