Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020

(BĐT) - Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua sáng nay (9/11), với 428/438 số đại biểu tham gia biểu quyết. 
428/438 số đại biểu tham gia biểu quyết đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
428/438 số đại biểu tham gia biểu quyết đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Riêng cho Điều 2 có 439 đại biểu tham gia tham gia biểu quyết về những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết. Kết quả biểu quyết cũng cho thấy tỷ lệ đồng thuận cao của Quốc hội với 432/439 phiếu tán thành thông qua.

Theo đó, tại Điều 2 của Nghị quyết đặt những mục tiêu cụ thể như, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84 - 85% tổng thu ngân sách nhà nước.

Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25 - 26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng (bao gồm 60 nghìn tỷ đồng còn lại của giai đoạn 2014 - 2016), từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 10 nghìn tỷ đồng dự kiến bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015 nhưng chưa sử dụng). Phân bổ 1.800 nghìn tỷ đồng, dành 10% dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

Bảo đảm an toàn nợ công, với các mục tiêu: Nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về đánh giá thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm 2011-2015, định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội.

Liên quan đến tỷ lệ bội chi NSNN, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2011 - 2015, bội chi NSNN ở mức cao, gây áp lực nợ công lớn, đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đề nghị giảm bội chi không quá 3,7% GDP.

Đối với ý kiến này, UBTVQH cho rằng, trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi một số năm gần đây, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu NSNN; trong khi đó, nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng lớn, nhiều chính sách an sinh xã hội đã ban hành cần có nguồn lực để bố trí thực hiện, do vậy, bội chi NSNN trong giai đoạn 2011 - 2015 không kiểm soát được như kế hoạch đề ra. Mức bội chi hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định, bao gồm cả việc điều chỉnh lại bội chi NSNN. Tuy nhiên, việc giảm bội chi ở mức không quá 3,7%  GDP giai đoạn 2016 - 2020 cần được cân nhắc, do dẫn đến thay đổi lại phương án cân đối NSNN, trong đó, có dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trình Quốc hội.  Do vậy, để bảo đảm có nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo định hướng, kế hoạch đã xây dựng, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như phương án Chính phủ trình là 3,9% GDP. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020, cần kiên quyết, kiên trì giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính, phải giảm mạnh bội chi NSNN để nợ công không vượt giới hạn cho phép; triệt để tiết kiệm chi; việc ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN phải căn cứ khả năng nguồn lực; kế hoạch đầu tư công trung hạn phải nằm trong kế hoạch tài chính 5 năm; phấn đấu đến năm 2020 bội chi không quá 3,5% GDP.

Liên quan đến tổng mức chi đầu tư phát triển, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, trong đó có phương án thu, chi NSNN theo kịch bản thấp nhất, cần tính đến khả năng không huy động đủ 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển.

UBTVQH cho rằng, lường trước các rủi ro có thể xảy ra liên quan đến tăng trưởng kinh tế, bội chi, và đặc biệt là thu NSNN còn khó khăn, như để đảm bảo quy mô thu bằng 1,65 lần giai đoạn trước, trong đó đã tính thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng tăng thu do thực hiện điều chỉnh một số chính sách thu nội địa và khoảng 200 nghìn tỷ đồng từ các giải pháp đặc thù khác. Theo đó, tốc độ tăng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 20%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 15%/năm), là mức rất cao so với dự kiến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xác định tổng mức bố trí chi đấu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng và phải dành tối thiểu 10% chưa thực hiện phân bổ để dự phòng rủi ro về thu và xử lý các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. Căn cứ tình hình thực tế, số liệu bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán NSNN hằng năm. 

Chuyên đề