Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất hay tự thỏa thuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và còn nhiều ý kiến khác nhau tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi đưa ra lấy ý kiến Quốc hội là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Phiên thảo luận tại hội trường ngày 14/11 về Dự thảo Luật tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, để áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp. Ảnh: Lê Tiên
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, để áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp. Ảnh: Lê Tiên

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai

Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó có các dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở…

Theo đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên), với các dự án phát triển kinh tế, nếu thỏa thuận được với người dân thì rất tốt. Tuy nhiên, dẫn chứng tình hình của chính địa phương mình, ông Vận cho rằng, rất khó thực hiện và tình trạng dang dở luôn gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện, do một số người dân đòi giá rất cao, gấp nhiều lần so với người thỏa thuận trước đó và có những trường hợp thì giá nào cũng không chịu. Nếu chấp thuận đền bù thì sẽ gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân.

Đồng ý với cách tiếp cận của Dự thảo Luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, cần mở rộng hơn nữa về việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Nhà nước đứng ra thu hồi, giải tỏa, đền bù để xây dựng các ngành kinh tế và doanh nghiệp chủ lực nhằm tạo ra nhiều việc làm, những thương hiệu hàng hóa, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu quy hoạch, nằm trong những lĩnh vực được khuyến khích đều mang lại lợi ích cho quốc gia. Ông Lộc đề nghị bổ sung thêm các công trình văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dự án giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Một là chúng ta quy định luôn các lĩnh vực trong luật này, hai là giao cho Chính phủ quy định bảng danh mục cho phù hợp với từng giai đoạn”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Một số ý kiến khác cũng đồng tình và đề nghị mở thêm phạm vi thu hồi, trong đó có các dự án xã hội hóa.

Cần làm rõ điều kiện, tiêu chí Nhà nước thu hồi đất

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì cho rằng, khi nói đến thu hồi đất, tức là việc chính quyền, Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng mệnh lệnh hành chính, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế nên chăng xem xét, những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quyết định sự phát triển một vùng, một khu vực, cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi. Các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì doanh nghiệp thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng, chính quyền tham gia với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) bày tỏ lo ngại, các quy định tại Điều 86 của Dự thảo Luật về phạm vi thu hồi đất được mở rộng hơn, song vẫn chưa rõ ràng, dễ bị áp dụng chủ quan, tùy nghi. Đặc biệt, chưa làm nổi bật được tiêu chí trường hợp “thật cần thiết” phải thu hồi. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp. Theo ông Minh, quy định dự án đất đô thị, dự án dân cư nông thôn, nhà ở thương mại thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất là chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022. Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đi từ vấn đề giá đền bù, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, cùng một khu vực nhưng nếu Nhà nước thu hồi đất thì đền bù theo giá nhà nước, còn để doanh nghiệp thỏa thuận thì thường giá cao hơn. Do vậy, ở đây phát sinh sự so bì và khiếu nại rất phức tạp. Vì thế, nên thể chế quan điểm của Nghị quyết 18 với tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân để hai bên đi đến một sự thống nhất. Tuy nhiên, về giá thì phải thống nhất một khung giá theo quy định của Nhà nước để bảo đảm sự công bằng, minh bạch.

Chuyên đề